Sau 10 giờ di chuyển, hơn chục ôtô chở 310 người từ các Tiểu đoàn ở Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng thuộc Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên đã đến Nhà Thiếu nhi Thủ Đức, TP Thủ Đức. Sau khi được test nhanh Covid-19, các chiến sĩ khiêng nhiều valy thiết bị, balô quần áo, chiếu, mền vào bốn tầng của nhà thiếu nhi.
12 phòng học tại đây được kê thêm giường, quạt để cảnh sát nghỉ ngơi trước khi làm nhiệm vụ vào hôm nay. "Tôi mới được tiêm vaccine vào hôm qua. Khi được điều động chi viện thì tôi rất háo hức để góp phần chống dịch cho TP HCM", thiếu úy Tăng Hữu Trí nói.
Thiếu tá Chu Văn Khanh, Phó tiểu đoàn 2, Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên cho hay lực lượng sẽ phối hợp với công an, chính quyền địa phương giữ trật tự tại các chốt kiểm soát cửa ngõ và các quận, huyện tại TP HCM. "Các cá nhân vi phạm, chủ quan không tuân thủ quy định phòng chống dịch sẽ bị lực lượng xử lý nghiêm", thiếu tá Khanh nói và cho biết lực lượng làm nhiệm vụ 24/24h cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Ngoài công an, TP HCM đã đề xuất Quân khu 7 hỗ trợ 6.000 quân nhân, bác sĩ chống dịch. Chiều nay, gần 300 cán bộ, học viên của Học viện Quân y (Hà Nội) đã đến TP HCM sẵn sàng làm nhiệm vụ chống dịch. Lực lượng này sẽ triển khai 400 trạm xá lưu động để điều trị cho F0 tại nhà, hạn chế bệnh nhân trở nặng để giảm tải cho các bệnh viện điều trị Covid-19.
Cùng ngày, Cục Cảnh sát giao thông đã điều 37 chiến sĩ vào TP HCM làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch.
Từ 0h ngày 23/8, TP HCM tăng cường biện pháp chống Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố... Trong đó, quân đội sẽ lập đội công tác đặc biệt, với sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, đưa lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị đến từng nhà dân.
Đình Văn