Không gian được chia làm hai mảng: tranh, hiện vật xưa đến từ các nhà sưu tập và tác phẩm của nghệ sĩ mới lấy cảm hứng từ quá khứ. Một số tranh của các danh họa được trưng bày như: Chân dung thiếu nữ của họa sĩ Nguyễn Luyện (1950), Hái hoa của Vũ Cao Đàm (1966), Chân dung Phan Kim Thịnh của Tạ Tỵ (1969), Chân dung của họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ (1978), Chân dung nhà thơ Thanh Toàn của Lưu Công Nhân (1986)...
Nhiều hiện vật đặc trưng của thời kỳ Đông Dương xuất hiện trong sự kiện như: Postcard Đông Dương (1906), Bình đồng Pháp Lam vẽ tay, Mộc bản khuôn nhạc, Cối xay tiêu thời Đông Dương...
Vân Vi - giám tuyển triển lãm - chọn những tranh, hiện vật tiêu biểu nhất trong gần bốn tháng. Việc thuyết phục các nhà sưu tập tham gia gặp nhiều khó khăn, nhất là những tranh quý của Vũ Cao Đàm, Lưu Công Nhân... "Họa sĩ sáng tác theo cảm hứng cá nhân, khi đưa vào triển lãm phải làm sao ghép được vào chủ đề. Ngoài ra, các nhà sưu tập bảo quản rất kỹ tranh, để nhận được sự đồng ý, chúng tôi phải đáp ứng các yêu cầu họ đưa ra", Vân Vi nói.
Trước câu hỏi về tình trạng tranh giả thời Đông Dương, Vân Vi cho biết phần lớn tác phẩm trưng bày được các nhà sưu tập mua từ các nhà đấu giá hàng đầu thế giới. Tranh được kiểm định bởi các chuyên gia, có chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, một số tranh do chính gia đình họa sĩ lưu giữ.
>>> Tranh, hiện vật trưng bày trong triển lãm
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận xét triển lãm đa dạng về thể loại, khắc họa một phần hình ảnh của giới trí thức Việt một thời. Ông có một số tác phẩm trưng bày tại đây như bức Tiền kiếp, chất liệu màu tự nhiên trên giấy dó (2019), bộ sưu tập gốm Thượng...
Nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết sự kiện là cơ hội hiếm hoi để công chúng được chiêm ngưỡng dấu ấn mỹ thuật thời Đông Dương. "Tôi ấn tượng nhất tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm. Ngoài ra, ở đây có nhiều tranh, hiện vật quý được mua từ các sàn đấu giá nước ngoài", Lê Bích nói. Sự kiện diễn ra tại The Muse Art Space, 47 Tràng Tiền, kéo dài từ ngày 23/4 - 23/5.
Hiểu Nhân (ảnh: Hoàng Huế)