Ngoài thể hiện bằng tiếng Việt, một số bức được viết bằng tiếng Anh, Pháp, Italy, Đức, Hán... Sư thầy Pháp Niệm - đệ tử của thiền sư - cho biết: "Sư ông Làng Mai không phải nhà thư pháp, chỉ mượn thư pháp để truyền đạt giáo lý nhà Phật. Nét thư pháp cũng là nét chữ thường ngày của sư ông".
Triển lãm còn giới thiệu 145 cuốn sách của thiền sư ở bốn thể loại chính: kinh luật luận, văn học - sử Phật giáo, đạo Bụt và ứng dụng, sách thiếu nhi. Dịp này, Phanbook và Nhà xuất bản Phụ nữ ra mắt giai phẩm thư pháp Hương thơm quê mẹ - tập hợp các tác phẩm thư pháp tiếng Việt và tiếng Anh, cả bức thư pháp cuối cùng của ông, viết tại Phương Bối, Pháp.
Bà Phan Thị Lệ - giám đốc đơn vị làm sách - nói: "Các thư pháp được sắp xếp theo hệ thống, có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về những tu tập trong đời sống. Với tôi, hình ảnh quê hương thể hiện trong sách khiến mỗi người nhận ra thiền định không phải điều xa lạ mà ở ngay chính cuộc sống bình dị, những sinh hoạt thường ngày".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tác giả của hàng trăm đầu sách, nhiều cuốn được xếp hạng bestseller như: An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, Đường xưa mây trắng, Giận, Chúa ngàn đời, Bụt ngàn đời... Thiền sư sinh năm 1926 tại Thừa Thiên Huế. Ông xuất gia ở chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Đến nay, ông là tổ đời thứ tám của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế.
Năm 40 tuổi, ông rời quê nhà, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện ở nhiều nước. Tháng 10/2018, ông từ nước ngoài trở về chùa Từ Hiếu, Huế, an dưỡng. Thiền sư có ý nguyện sống tại tổ đình Từ Hiếu cho đến ngày viên tịch. Năm 2019, thiền sư nhận giải Hòa bình Luxembourg. Theo ban tổ chức, thiền sư là nhà lãnh đạo tinh thần, nhà thơ và nhà hoạt động hòa bình được tôn kính trên thế giới vì những bài pháp thoại, các cuốn sách về chánh niệm và hòa bình.
Thu Thảo - Thanh Tuyền