Ông Tập tới Ấn Độ tuần này giữa lúc vấn đề tranh chấp biên giới hai nước đang căng thẳng, thu hút nhiều sự chú ý của quan sát viên thế giới. Trong ba ngày, ông và ban lãnh đạo Ấn Độ tập trung bàn bạc các chủ đề liên quan tới thương mại, đầu tư, và giải quyết tranh chấp biên giới vốn kéo dài hàng thập kỷ, theo AP.
Chuyến đi là dấu hiệu mới nhất cho thấy bất đồng giữa hai quốc gia có cơ hội dịu đi. Sự không tin tưởng khởi nguồn từ cuộc chiến biên giới Trung-Ấn năm 1962, khiến hơn 2.000 binh lính thiệt mạng. Xung đột kết thúc sau một tháng nhưng lại lâm vào bế tắc khi mỗi bên đều đổ lỗi cho đối phương xâm chiếm lãnh thổ của mình.
Ấn Độ và Trung Quốc nhất trí vấn đề biên giới không nên là chướng ngại cản trở quan hệ hai nước. Tuy nhiên, những cáo buộc thời gian gần đây của Ấn Độ về các cuộc xâm chiếm và điều động quân sự của Trung Quốc quanh vùng biên khiến yêu cầu này càng khó khăn hơn. Động thái của Bắc Kinh buộc Ấn Độ phải điều thêm các đơn vị thiết giáp và kiên cố hóa cơ sở vật chất.
"Sẽ không có đột phá nào trong giải quyết xung đột biên giới. Đây là một vấn đề khó khăn", Jayadev Ranade, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc, một viện chính sách có trụ sở ở New Delhi, Ấn Độ, nhận định.
Tuy nhiên một số nhà phân tích khác cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm ấm quan hệ với Ấn Độ vì những lợi ích khác.
"Quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ là phần thiết yếu trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc ở châu Á. Chuyến thăm của ông Tập sẽ mở đường cho những cuộc đàm phán song phương nhằm xử lý các rắc rối còn tồn tại", Zhao Gancheng, giám đốc Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết.
"Chắc chắn sẽ có nhiều không gian hơn dành cho đầu tư và phát triển", quan sát viên Christopher Bodeen đánh giá. Mặc dù năm ngoái, giao dịch thương mại giữa hai nước sụt giảm mạnh, nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác kinh doanh lớn nhất của Ấn Độ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng miêu tả mối quan hệ mới của hai quốc gia là "phần mỏm vừa nhô lên của một kho báu khổng lồ bị chôn sâu".
Đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thúc đẩy ngoại thương, đặc biệt với các nước lớn như Trung Quốc, là mục tiêu tối quan trọng để ông hiện thực hóa lời hứa từ chiến dịch tranh cử của mình. Ông từng hạ quyết tâm hàng năm tạo ra việc làm cho khoảng 13 triệu thanh niên trong độ tuổi lao động của Ấn Độ.
Mặt khác, Trung Quốc cũng nung nấu quyết tâm ngăn cản Ấn Độ tiếp cận quá gần với phương Tây và nhất là Nhật Bản, quốc gia rất nhiệt tình thu hút sự chú ý của chính quyền ông Modi.
Ông Modi vừa có chuyến công du 5 ngày tới Nhật Bản, đem về nhiều cam kết trị giá hàng tỷ USD và một bản thỏa thuận tăng cường quan hệ kinh tế, quốc phòng, an ninh với Tokyo.
"Chuyến công tác của ông Tập sẽ là cơ hội có một không hai để Trung Quốc đầu tư vào Ấn Độ trước khi Nhật Bản kịp làm điều đó", Swaran Singh, giáo sư nghiên cứu về quan hệ Trung-Ấn tại Đại học Jawaharlal Nehru (JNU) của Ấn Độ, nhận định. "Trung Quốc sẽ phải cố gắng tìm kiếm chỗ đứng trong đầu tư và chuyển giao công nghệ với Ấn Độ từ đây".
Vũ Hoàng (theo AP)