"Rất có thể, nước Mỹ sẽ có một vị tổng thống mới đặt các lợi ích kinh tế lên trên lợi ích an ninh trong quan hệ quốc tế. Điều đó sẽ dẫn tới thay đổi cả trong quan hệ quốc tế, giữa các nước lớn với nhau", Phó giáo sư, Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nói với VnExpress về chính sách đối ngoại của Mỹ nếu ứng viên Donald Trump thắng cử.
Theo ông Lợi, đến nay ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa chưa có bình luận về chính sách tái cân bằng sang châu Á, có thể do tỷ phú Mỹ đang cân nhắc, tính toán lại chính sách theo cách mới của ông. Hoặc có thể đây không phải là ưu tiên trong chính sách của ông Trump.
Chuyên gia này đánh giá Mỹ đang phải đối diện với nhiều vấn đề trong nước nên có thể chính sách tái cân bằng châu Á chưa phải mối quan lớn của tỷ phú Mỹ. Các phát biểu trong chiến dịch tranh cử của ông chưa có bình luận nào về Biển Đông, "đường chín đoạn" của Trung Quốc.
"Ông Trump không nói về các thách thức an ninh mà nhấn mạnh đến những thách thức kinh tế. Quan điểm của ông là các nước phải tự gánh vác lấy, và dưới con mắt của nhà kinh doanh, các đồng minh phải chi nhiều tiền hơn để có sự hỗ trợ của Mỹ. Điều đó phản ánh các vấn đề an ninh châu Á và thế giới không quan trọng bằng các vấn đề trong nước. Do đó, nếu không quá cấp bách thì nó không phải ưu tiên", ông Lợi nói.
Đề cập tới hoạt động tuần tra hàng hải và hàng không của Mỹ ở Biển Đông thời gian tới, ông Lợi cho rằng Washington sẽ vẫn tiếp tục nhưng việc này không phải là ưu tiên. Mức độ tuần tra của Mỹ cũng sẽ phụ thuộc vào thái độ của Trung Quốc nữa và xu hướng chung là duy trì nguyên trạng ở Biển Đông.
Với quan hệ Mỹ - Trung, Phó giáo sư Lợi nhận định ông Trump sẽ gây sức ép về kinh tế với Bắc Kinh, có thể sẵn sàng trừng phạt do một số nguyên tắc chơi không bình đẳng như an ninh mạng, tỷ giá hối đoái. Tỷ giá Trung Quốc đưa ra tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu khiến một số nhà đầu tư không được hưởng lợi tại Mỹ. Hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ có thể phải chịu mức thuế cao, thậm chí lên đến 30%.
"Nhìn chung quan hệ của Mỹ với các đối tác thương mại chính sẽ trở nên xấu hơn, tuy nhiên phần lớn các hạn chế nêu trong Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa sẽ không được áp dụng", chuyên gia Derek M. Scissors của Viện doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute - AEI), trao đổi qua email với VnExpress.
Ông Scissors đánh giá nếu trở thành tân tổng thống Mỹ ông Trump sẽ hướng tới việc chứng tỏ rằng mình là một nhà đàm phán "rắn" hơn so với Tổng thống Obama và dùng uy quyền của một cường quốc để áp đặt các hạn chế thương mại. Mexico có thể nằm đầu danh sách, tiếp đó là Trung Quốc. Tuy nhiên các hạn chế thương mại của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) thì không có thay đổi gì. Câu hỏi là các nước có thay đổi chính sách của họ nếu như Mỹ thay đổi hay không. Nếu Mỹ ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ cố xuất chúng tới các thị trường khác và những nước này cũng có thể chặn hàng của Trung Quốc.
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chuyên gia người Mỹ có cái nhìn khá bi quan, rằng nó sẽ không được thông qua. Khi đó cả Việt Nam, Nhật Bản và các nước khác ở châu Á sẽ cần phải tính đến các thỏa thuận song phương. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chỉ mang tính ngoại giao mà ít có giá trị kinh tế kể cả khi nó được hoàn thiện.
"Rõ ràng, các nền kinh tế quan trọng nhất để Việt Nam tiếp cận là Nhật Bản và Mỹ. Một thỏa thuận song phương sẽ dễ đạt được hơn, đặc biệt là với các điều khoản của TPP làm nền tảng", ông Scissors nói.
Cùng chia sẻ quan điểm tỷ phú Mỹ Trump không "nhiệt tình" với TPP, ông Cù Chí Lợi cho rằng các vấn đề về TPP có thể sẽ kéo dài hơn, việc thông qua sẽ gặp khó khăn hơn nhưng Mỹ sẽ không bác bỏ hoàn toàn, có thể Mỹ sẽ yêu cầu các nước liên quan thảo luận lại.
"Ông Trump từng nói chính sách của Mỹ là dễ dự đóan, như thế không có lợi cho nước này. Cho nên các phát biểu của ứng viên này có thể nằm trong tư duy 'không lộ bài'. Tuy nhiên, các ứng viên tranh cử thường có xu hướng nói mạnh hơn và làm ít hơn trên thực tế", ông Lợi nói.
Xem thêm Bệ phóng giúp Donald Trump tiến nhanh trên hành trình tranh cử
Việt Anh