Niềm hân hoan đang xuất hiện trong các bản tin và bình luận tin tức ở Nga. Trump đã gạt đi ý kiến của các phụ tá, quyết định rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ khỏi Syria - động thái khiến Nga có khoảng trống để gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, theo NYTimes.
Nga có khoảng 5.000 quân và vài chục máy bay ở Syria để hỗ trợ chính quyền Assad. Họ còn có cơ sở hải quân chiến lược tại thành phố Tartus của Syria trên Địa Trung Hải. Nga cũng đã mở rộng dấu chân quân sự ở Syria trong chiến tranh.
Trump còn tuyên bố Mỹ ý định rút một nửa lực lượng ra khỏi Afghanistan. Các động thái này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chức. Ông ám chỉ Trump đang giảm cam kết đối với các đồng minh truyền thống như NATO trong thư từ chức.
"Trump là món quà mà Thượng đế liên tục ban tặng", Vladimir Frolov, chuyên gia phân tích đối ngoại ở Nga nhận xét. "Trump đang tự mình làm suy yếu trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt, các liên minh của Mỹ, uy tín của Mỹ với tư cách là đối tác và đồng minh. Nga chỉ cần thư giãn, theo dõi và ủng hộ cho Trump - điều mà Putin làm mỗi khi xuất hiện trên TV".
Một báo địa phương Nga trong giật tít "Trump bỏ mặc chó ở ngoài trời lạnh", ám chỉ biệt danh "Chó điên" của Mattis (đây là cách gọi trong giới quân nhân dưới quyền Mattis do tinh thần lăn xả và phong cách ăn nói bạt mạng đậm chất lính thủy đánh bộ của ông). Konstantin Kosachev, người đứng đầu Ủy ban Vấn đề Quốc tế tại thượng viện Nga, viết trên Facebook rằng mối bất hòa ở Washington "là tín hiệu thú vị và hơn nữa là một tín hiệu tích cực".
Nga cũng nhận được tin tức tích cực ở lĩnh vực kinh tế khi Washington có ý định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Rusal, công ty Nga chiếm một phần lớn trong thị trường nhôm thế giới. Người đồng sáng lập công ty này là Oleg Deripask, doanh nhân thân cận với Putin và từng là đối tác kinh doanh của cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump, Paul Manafort. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt với cá nhân Deripask vẫn giữ nguyên và ông phải rời bỏ vị trí trong công ty như một điều kiện để đưa Rusal thoát lệnh trừng phạt.
Một số người ở Mỹ đồn đoán giả thuyết Điện Kremlin có trong tay thứ gì đó có thể "nắm thóp" Trump nên ông mới tiến hành những động thái có lợi cho Nga như vậy. Tuy nhiên, nhiều người Nga không tin vào điều đó, truyền thông và các nhà phân tích Nga cho rằng Trump chỉ đơn giản là đang thực hiện các lời hứa tranh cử.
Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây vẫn cảm thấy khó hiểu về lý do hành động của ông trùng khớp với các mục tiêu chính sách đối ngoại của Nga. "Một lần nữa, chúng ta thấy một Tổng thống có vẻ hành động bốc đồng và thất thường, trừ khi nói đến Nga", Leslie Vinjamuri, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường SOAS, Đại học London ở Anh, nhận xét. "Trump rất kiên định trong việc sẵn sàng áp dụng các chính sách có lợi cho chiến lược của Nga trong khi làm suy yếu chúng tôi".
Tuy nhiên, không phải mọi điều đều có lợi cho Moskva.
"Tất nhiên việc Mỹ rút khỏi Syria giống như một món quà với Nga", Valery D. Solovei, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moskva, bình luận. "Điện Kremlin có thể sử dụng thành công ở Syria để tiến vào Libya vì lý do tương tự", ông nói.
Nhưng tình hình ở Afghanistan phức tạp hơn nhiều. "Một mặt, người Nga rất vui mừng về sự rút quân của Mỹ nhưng mặt khác, Điện Kremlin luôn lo ngại rằng bất ổn ở Afghanistan có thể làm tăng dòng chảy ma túy và kẻ cực đoan vào Nga", Solovei nói thêm.
Sự hiện diện của Mỹ tại Syria vốn là cái cớ cho Putin giải thích tại sao sự can thiệp của Nga không nhanh chóng đưa cuộc xung đột đến hồi kết như ông từng hứa. Ngoài ra, việc chiến đấu với tàn dư của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) giờ sẽ trở thành vấn đề của Nga. Bất kỳ sự gia tăng bạo lực nào cũng có thể gây ảnh hưởng đến lập luận mà Điện Kremlin muốn thể hiện là Syria đủ ổn định để tiến hành quá trình tái thiết chính trị sau chiến tranh.
Chính phủ Nga cũng e ngại rằng những điều Trump nói và làm không phải lúc nào cũng giống nhau và có thể bị đảo ngược chỉ qua một dòng tweet. Chính quyền Trump đã có các động thái khiến Điện Kremlin bực bội như rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hay vẫn cứng rắn với Nga trong khủng hoảng Ukraine. Vì vậy, các quan chức cấp cao Nga đã phản ứng thận trọng trước các thông báo rút quân của Mỹ.
"Chúng tôi cần phải tìm hiểu người Mỹ sẽ rút đi khi nào, ở đâu và theo cách thế nào", Dmitri S. Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, nói với các phóng viên ngày 21/12. "Tại thời điểm này, điều đó không rõ ràng".
Trong cuộc họp báo ngày 20/12, Putin ca ngợi Trump ông cảnh báo rằng việc phe Dân chủ kiểm soát hạ viện từ năm sau sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực của Tổng thống Mỹ là cải thiện quan hệ với Nga.
Nhìn chung, có lo ngại ở Nga rằng Trump quá thất thường và khó đoán. Các quyết định của ông hiện có lợi cho Putin, nhưng chúng cũng có thể bất thình lình đi theo hướng ngược lại với tốc độ tương đương.
"Thế giới quá bất ổn là điều mà Putin không thực sự muốn", Khrushcheva nói, chỉ ra rằng Nga không có nguồn tài chính hoặc tài nguyên khác dồi dào như Mỹ để giải quyết các vấn đề trên toàn cầu. "Nếu có quá nhiều hỗn loạn, Nga sẽ phải phân bổ sức lực ra quá nhiều nơi".
Tuy nhiên, hiện tại, việc Trump giảm vai trò quốc tế của Mỹ và tập trung vào các vấn đề trong nước đã tạo ra khoảng trống cho các nước như Trung Quốc và Nga mở rộng ảnh hưởng. "Chúng ta có thể chấp nhận sự thất thường và khó đoán ở một mức nào đó. Đáng để làm vậy", nhà phân tích Frolov nhận xét.