Dù là đàm phán các thỏa thuận về tòa nhà chọc trời hay cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Donald Trump giống như một người chơi poker khoa trương và khó đoán.
"Tiền chưa bao giờ là động lực lớn đối với tôi", ông viết trong cuốn tự truyện Nghệ thuật đàm phán. "Sự phấn khích nằm ở lúc đấu trí trong cuộc chơi", ông viết.
Điều khác biệt bây giờ là ông đang "chơi" với máy bay không người lái, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và các "lá bài" chết người khác trong cuộc chơi có nguy cơ đẩy Mỹ vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông.
Với vụ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Baghdad, Iraq ngày 3/1, Trump một lần nữa khuấy đảo thế giới và khiến nhiều người lo lắng.
Cuộc tấn công này "phản tác dụng", John Mueller, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Đại học bang Ohio, nói. Soleimani là đối thủ hàng đầu của Mỹ trong hai thập kỷ căng thẳng ở khu vực. Nhưng những người tiền nhiệm của Trump, George W. Bush và Barack Obama đều không ra lệnh hạ sát ông này vì lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh với Iran.
Soleimani không chỉ là một tướng đặc nhiệm, ông là một trong những người quyền lực nhất ở Iran. Việc Mỹ sát hại Soleimani sẽ khiến tinh thần chống Mỹ ở Iran thêm dâng cao, Mueller nói thêm.
Nhưng Trump, như thường lệ, tỏ ra không lo ngại về những điều đó. "Ông ta lẽ ra phải bị loại bỏ từ nhiều năm trước!", Tổng thống Mỹ viết trên Twitter. "Tướng Qassem Soleimani đã giết hoặc làm bị thương nặng hàng nghìn người Mỹ trong một thời gian dài và đang âm mưu giết nhiều người nữa nhưng đã bị phát giác!"
Trump đã giải thích về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc theo cách tương tự. Ông cho rằng trong nhiều thập kỷ, các tổng thống tiền nhiệm quá mềm mỏng nên không dám thách thức các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh.
Với Triều Tiên, Trump cũng làm những điều chưa có tiền lệ. Sau khi đe dọa trút "lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên, ông chuyển sang gọi Kim Jong-un là bạn tốt, tin tưởng rằng mối quan hệ cá nhân và tài giao thiệp của mình sẽ giúp ông đạt được thỏa thuận.
Nhưng Trump đều chưa hái được "quả ngọt" trong cả hai trường hợp. Chiến tranh thương mại đã giảm nhiệt bằng thỏa thuận giai đoạn một, nhưng các khúc mắc lớn giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Triều Tiên thời gian gần đây có dấu hiệu sẽ quay lại với các vụ thử vũ khí thay vì tiếp tục tham gia nỗ lực ngoại giao.
Trong trường hợp Iran, lần đầu tiên sự phá cách của Trump được áp dụng cho một cuộc khủng hoảng thực sự có nguy cơ biến thành chiến tranh. Những người chỉ trích Trump lo lắng ông đã hoặc sẽ phạm sai lầm dẫn đến thảm họa.
"Khoảnh khắc mà tất cả chúng ta lo sợ có thể đang cận kề", thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy viết trên Twitter cuối tuần trước. "Chúng ta có một Tổng thống thất thường, tất cả cố vấn giàu kinh nghiệm đã rời ghế, chỉ còn lại những người nghiệp dư nịnh bợ. Họ hạ sát lãnh đạo nước ngoài, thông báo kế hoạch đánh bom dân thường. Đúng là một cơn ác mộng".
Murphy nhắc đến tuyên bố của Trump về việc sẽ không kích 52 mục tiêu ở Iran nếu Tehran có các hành động đáp trả, trong đó có cả các công trình văn hóa, vốn là mục tiêu bị cấm tấn công theo luật quốc tế.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Trump nói rằng phong cách thẳng thắn và chính sách chấp nhận rủi ro của ông chính xác là những gì Mỹ cần. "Những điều này lẽ ra phải làm từ lâu", Thomas Spoehr, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng tại trung tâm nghiên cứu Heritage Foundation, nói.
Sau các cuộc tấn công gần đây nhắm vào quân đội Mỹ ở Iraq và đại sứ quán ở Baghdad, Trump phải có đòn đáp trả mạnh mẽ, nếu không Mỹ sẽ bị coi là "hổ giấy", Spoehr lập luận.
"Danh tiếng của nước Mỹ, sự tôn trọng của nước khác với Mỹ ở những nơi như Trung Đông phụ thuộc vào sự cứng rắn của chúng ta", ông nói. "Khi có người vượt qua lằn ranh đỏ của Mỹ, họ phải biết rằng họ sẽ lĩnh hậu quả".
Spoehr dẫn chứng việc Trump đã chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem - hành động được phần lớn thế giới xem là khiêu khích đối với người Palestine. Khi đó có nhiều dự đoán rằng thay đổi này sẽ "thiêu đốt khu vực" nhưng cuối cùng không có sự việc nghiêm trọng nào xảy ra.
Spoehr nhận định đây là minh chứng cho thấy dù Trump là người hành động theo bản năng thì bản năng của ông đã mách bảo điều đúng đắn. Trump "không kìm hãm bản thân với lối suy nghĩ thông thường", ông nói.
Phương Vũ (Theo AFP)