Trong ba năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump dường như chỉ coi quân đội là công cụ để đe dọa kẻ thù, như việc cảnh báo trút "lửa và giận dữ" nếu Triều Tiên thách thức Mỹ. Ông còn từng đe dọa "bắn hạ và tiêu diệt" lực lượng Iran tại Vùng Vịnh. Hàng tỷ USD đã được bỏ ra để củng cố kho hạt nhân mà ông coi là nguồn sức mạnh tối thượng của Mỹ.
Các tướng lĩnh và đô đốc Mỹ được cho là vẫn ủng hộ một Tổng Tư lệnh với "phong cách đặc biệt", đồng thời hoan nghênh việc tăng ngân sách quốc phòng. Những nhà ngoại giao hàng đầu trong chính quyền, dù bối rối, cũng cảm thấy quyết định của Trump có lợi trong việc buộc các đối thủ ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, sức chịu đựng của họ dường như ngày càng bị đẩy đến giới hạn. Trump hôm 1/6 đe dọa kích hoạt Đạo luật Chống Nổi loạn được ban hành năm 1807, cho phép chính phủ liên bang sử dụng quân đội để đối phó tình trạng bất ổn trong nước và một số tình huống khẩn cấp khác, nhằm dập tắt các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau khi George Floyd, người da màu tại Minneapolis, bị cảnh sát ghì chết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phản đối việc kích hoạt đạo luật vì mục đích này, cho rằng phương án triển khai quân đội cho vai trò hành pháp chỉ nên được sử dụng "trong trường hợp khẩn cấp và nghiêm trọng nhất". "Chúng ta không ở trong tình huống như vậy. Tôi không ủng hộ kích hoạt Đạo luật Chống Nổi loạn", ông phát biểu hôm 3/6.
Trước đó, Esper cùng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley bị chỉ trích kịch liệt khi đi cùng Trump từ Nhà Trắng đến nhà thờ gần đó, trong lúc cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông biểu tình để mở đường cho họ. Theo bình luận viên David Sanger và Helene Cooper của NY Times, sự việc khiến mối quan hệ giữa hai người này với Trump dường như trái với nguyên tắc của quân đội và Hiến pháp Mỹ.
Douglas Lute, cựu tướng ba sao của quân đội Mỹ từng làm đại sứ Mỹ tại NATO, cho rằng "có một ranh giới mong manh" giữa sức chịu đựng của quân đội đối với những hành vi đáng lo ngại của Trump những năm qua và việc mà quân đội không thể chấp nhận.
"Những bất đồng tương đối nhỏ tích lũy qua các năm không đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta giờ đây đang đối mặt với tổn hại thực sự. Khi Esper và Milley đi qua công viên Lafayette cùng Tổng thống trong lúc cảnh sát mạnh tay giải tán đám đông biểu tình ôn hòa, họ đã bước qua lằn ranh đó", Lute nhận xét.
"Hiện nay, giới hạn cuối cùng đối với đất nước, hay nói thẳng ra là quân đội Mỹ, là việc triển khai binh sĩ để thực hiện ý định chống lại người dân của Tổng thống. Điều này có thể hủy hoại mức tín nhiệm cao mà người Mỹ dành cho quân đội, cùng nhiều thứ khác nữa", John Allen, cựu tướng thủy quân lục chiến 4 sao, nêu ý kiến.
Nỗi lo ngại của Allen dường như trở thành hiện thực vào tối 3/6, khi lực lượng đối phó biểu tình tại thủ đô Washington không còn là cảnh sát hay mật vụ, mà là lính Vệ binh Quốc gia mặc đồ ngụy trang, được triển khai trên đường Số 16 gần Nhà Trắng. Dù chỉ là lực lượng quân sự dự bị của các lực lượng vũ trang Mỹ, họ đều giống nhau trong mắt người biểu tình và bị chửi rủa, lăng mạ.
"Chúng tôi không cần quân đội để kiểm soát một thành phố. Đây không phải là Yemen", Arianna Evans, người dân tại thành phố Bowie, bang Maryland, trả lời phỏng vấn.
Theo cuộc khảo sát thường niên của Gallup năm ngoái, 73% công chúng "vô cùng" hoặc "khá" tin tưởng vào quân đội, tỷ lệ cao nhất trong các tổ chức được thăm dò. Tuy nhiên, những quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc đang lo ngại phản ứng quân sự cứng rắn với biểu tình, như ý muốn của Trump, sẽ khiến công chúng Mỹ chống lại quân đội.
Chiều 4/6, Trump cho phép một số người thuộc lực lượng gồm 1.600 binh sĩ từ những nơi khác triển khai đến Washington trở về, dù họ chưa bao giờ muốn tới đây. Một sĩ quan giấu tên cho biết anh không muốn phải trích dẫn hiến pháp để từ chối một mệnh lệnh bất hợp pháp, nhưng nói thêm rằng cũng không bất ngờ nếu gặp tình huống trớ trêu như vậy trong những tuần tới.
Đối với Tổng thống Trump, việc nhận được sự chấp thuận của Lầu Năm Góc là "vũ khí chủ chốt", các bình luận viên của NY Times nhận định. Ông được cho là từng vui mừng khi có Tướng Jim Mattis làm bộ trưởng quốc phòng, sau đó đưa thêm nhiều tướng khác vào chính quyền, như cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn hay cựu chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly.
Tuy nhiên, không có mối quan hệ nào kết thúc tốt đẹp. Cựu bộ trưởng Mattis hôm 3/6 quyết định phá vỡ sự im lặng ông duy trì lâu nay để chỉ trích Trump. "Trong suốt cuộc đời tôi, ông ấy là tổng thống đầu tiên không nỗ lực đoàn kết người Mỹ, thậm chí không có ý định cố gắng", Mattis cho hay. "Chúng ta phải từ bỏ việc coi các thành phố là chiến trường, nơi những người mặc quân phục được điều động để kiểm soát".
Đô đốc Mike Mullen, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng lên án Trump "không thèm che giấu sự coi thường quyền biểu tình ôn hòa của đất nước".
"Mỹ có một lịch sử dài, đôi khi rắc rối, về việc sử dụng lực lượng vũ trang để thực thi luật pháp trong nước. Vấn đề hiện nay của chúng ta không phải là thẩm quyền này tồn tại hay không, mà là nó có được sử dụng khôn ngoan hay không", ông viết trên tờ Atlantic.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)