"Chúng tôi muốn đảm bảo không có cuộc kiểm phiếu nào tính cả phiếu bầu gian lận hoặc bất hợp pháp", Matt Morgan, luật sư trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump, cho biết hôm 10/11.
Chiến dịch của Trump đưa đơn kiện dựa trên cáo buộc về việc "đối xử bất bình đẳng" giữa những quan sát viên theo dõi kiểm phiếu của đảng Cộng hòa so với người của đảng Dân chủ.
Nhóm của Tổng thống Mỹ hôm 9/11 cũng đệ đơn kiện lên tòa án Pennsylvania nhằm ngăn giới chức bang công nhận chiến thắng của ứng viên Dân chủ Joe Biden. Tại Pennsylvania, chiến dịch Trump cáo buộc giới chức bang tạo ra "hệ thống bỏ phiếu hai tầng bất hợp pháp", trong đó hình thức bỏ phiếu trực tiếp bị giám sát nhiều hơn so với bỏ phiếu qua thư.
Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump cùng nhiều đảng viên Cộng hòa đã thực hiện nhiều vụ kiện về cáo buộc "bất thường bầu cử" kể từ Ngày Bầu cử 3/11. Tuy nhiên, thẩm phán liên bang đã bác các vụ kiện trước đó ở Georgia và Michigan, trong khi các chuyên gia cũng nhận định nỗ lực kiện cáo từ Trump rất khó có thể thay đổi kết quả bầu cử.
Bob Bauer, một cố vấn cấp cao của Tổng thống đắc cử Biden, hôm 10/11 đã chỉ trích nỗ lực pháp lý của chiến dịch Trump "như vở tuồng chứ không phải vụ kiện thực sự".
Bất chấp truyền thông Mỹ đồng loạt xướng tên Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử, trở thành tổng thống Mỹ thứ 46, Trump vẫn tuyên bố không chấp nhận kết quả này, cũng không nhận thua trước đối thủ. Bên cạnh việc khởi kiện, Tổng thống Mỹ cũng lên kế hoạch tổ chức các cuộc vận động quy mô lớn để chống "gian lận bầu cử".
Trong khi đó, chiến dịch của Biden cũng dọa có hành động pháp lý khi Cơ quan Dịch vụ Công chậm trễ trong việc công nhận chiến thắng và chuyển giao quyền lực cho nhóm này.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)