"Bây giờ tôi không có hứng thú đàm phán với Trung Quốc", Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn CBS News hôm 14/7, khi được hỏi liệu các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Trung Quốc còn tồn tại hay không.
"Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận thương mại tuyệt vời", Trump đề cập tới thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nước ký kết hồi đầu năm. "Tuy nhiên, ngay sau khi thỏa thuận hoàn thành, mực thậm chí chưa kịp khô, họ lại tấn công chúng ta bằng đại dịch". Tổng thống Mỹ nói thêm rằng ông cũng không có kế hoạch trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 12/2019. Những tháng qua, Trump nhiều lần đổ lỗi cho Trung Quốc giữa lúc tình hình dịch bệnh tại Mỹ diễn biến nghiêm trọng, cho rằng Bắc Kinh phải "chịu trách nhiệm" vì sự bùng phát dữ dội của đại dịch.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 3,5 triệu ca nhiễm và hơn 139.000 người chết. Dịch bệnh còn khiến nền kinh tế lao dốc, hàng chục triệu người thất nghiệp, đe dọa cơ hội tái đắc cử vào tháng 11 của Trump.
Theo điều khoản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc đồng ý tăng cường mua nông sản và các mặt hàng khác do Mỹ sản xuất, với giá trị đạt 200 tỷ USD trong vòng hai năm. Tuy nhiên, Trump cho biết đại dịch đã làm thay đổi quan điểm của ông về thỏa thuận.
Ông chủ Nhà Trắng hôm 14/7 cũng ký sắc lệnh tước những ưu đãi thương mại của Hong Kong, đồng thời thông qua Đạo luật Tự trị Hong Kong mà quốc hội Mỹ phê chuẩn hồi đầu tháng, cho phép trừng phạt các quan chức và cảnh sát bị coi là xâm phạm quyền tự trị của thành phố, cùng những ngân hàng thực hiện giao dịch quan trọng với họ.
Động thái này xuất phát từ việc Trung Quốc áp luật an ninh mới cho Hong Kong, hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài. Luật này gây lo ngại sẽ làm suy yếu quyền tự trị của đặc khu.
Bên cạnh Covid-19, chiến tranh thương mại và Hong Kong, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gần đây còn leo thang trong nhiều vấn đề khác, như Tây Tạng, Đài Loan và Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông, động thái được cho là đánh dấu bước ngoặt chính sách lớn của Washington.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)