"Tôi không nói rằng quân đội yêu tôi, các binh sĩ thì có, nhưng những quan chức hàng đầu ở Lầu Năm Góc thì không chắc bởi họ không muốn làm gì khác ngoài việc tạo ra các cuộc chiến để tất cả những công ty tuyệt vời sản xuất bom, chế tạo máy bay cùng những thứ vũ khí khác ngoài kia được vui", Trump hôm qua nói trước các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng.
Bình luận của ông được đánh giá là một đòn công kích chưa từng có tiền lệ nhằm vào giới lãnh đạo quân đội Mỹ. Giữa lúc đó, một số quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với CNN rằng mối quan hệ giữa Tổng thống và lãnh đạo Lầu Năm Góc đang ngày càng trở nên căng thẳng.
Chúng cũng được đưa ra trong bối cảnh Trump đang cố gắng thuyết phục công chúng tin rằng ông chưa bao giờ có phát ngôn miệt thị, coi thường lính Mỹ tử trận trong Thế chiến I như thông tin mà tạp chí Atlantic tung ra hồi tuần trước.
Giới quan sát nhận định những cáo buộc mới nhất của Tổng thống Trump nhằm vào giới lãnh đạo quân đội Mỹ có thể khiến ông bị phản đòn nặng nề.
"Bình luận mà Tổng thống đưa ra nhằm vào giới lãnh đạo quân sự đã làm tổn hại nỗ lực phụng sự của họ cũng như những người họ dẫn dắt. Ông ấy thay thế sự tín nhiệm bằng thái độ coi thường và thiếu suy nghĩ mà lâu nay ông vẫn cố gắng phủ nhận", John Kirby, cựu chuẩn đô đốc hải quân Mỹ, chuyên gia phân tích từ CNN, nhận định.
Lầu Năm Góc hiện chưa đưa ra bình luận.
Theo giới chuyên gia, dù Trump từng công khai chê bai một số cựu chiến binh nổi tiếng như cố thượng nghị sĩ John McCain hay cựu bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis, những chỉ trích của ông nhắm vào giới lãnh đạo quân sự Mỹ hôm qua thực sự đã được nâng lên một cấp độ mới.
CNN từng đưa tin mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cũng đang căng thẳng và Trump được cho là đã cân nhắc việc thay thế Esper. Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn cách chưa đầy hai tháng nữa, các chỉ huy hàng đầu của Lầu Năm Góc đang ngày càng trở nên mệt mỏi và lo lắng về mối quan hệ giữa họ với ông chủ Nhà Trắng, một số quan chức quốc phòng cho hay.
Một câu hỏi khiến nhiều người quan tâm là Lầu Năm Góc sẽ phản ứng ra sao nếu Trump kích hoạt Đạo luật Chống nổi loạn để huy động quân đội Mỹ xuống đường đối phó với những người biểu tình. Trump hồi tháng trước một lần nữa nêu ra ý tưởng trên và khi ông lần đầu lên tiếng đe dọa có hành động này hồi tháng 6, Bộ trưởng Esper đã công khai phản đối, khẳng định ông không bao giờ đồng tình với ý tưởng dùng binh sĩ trấn áp người dân Mỹ.
Nhằm tránh làm nảy sinh một cuộc đối đầu mới với Nhà Trắng, vài tuần qua, các quan chức quân sự hàng đầu, trong đó có tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã thường xuyên tổ chức những cuộc họp bàn về tình hình bất ổn do biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát ở nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ.
Theo một số quan chức quốc phòng, mục tiêu của họ là chuẩn bị sẵn sàng những kế hoạch hành động phù hợp cho lực lượng Vệ binh Quốc gia và các cơ quan thực thi pháp luật dân sự liên bang khác, thay vì điều lực lượng quân đội chính quy đối phó với người biểu tình.
Một vấn đề khác có thể dẫn tới xung đột giữa Trump với giới lãnh đạo quân đội là dự luật quốc phòng trị giá 740 tỷ USD có quy định thay đổi tên các căn cứ quân sự Mỹ được đặt theo tên các tướng lĩnh Liên minh miền Nam. Trump phản đối dự luật trên, nhưng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ không che giấu mong muốn loại bỏ cái mà họ coi là biểu tượng gây chia rẽ của Liên minh miền Nam.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Milley hồi tháng 7 trong một phiên điều trần trước quốc hội khẳng định "những người đó đã phản bội lời thề của họ", đề cập tới những tướng lĩnh Liên minh miền Nam được đặt tên cho các căn cứ quân sự Mỹ. "Khi ấy, đó là hành động phản quốc, chống lại Liên bang miền Bắc, chống lại quốc kỳ và Hiến pháp Mỹ", ông nhấn mạnh.
Giới lãnh đạo quân đội đã bắt tay vào một số sáng kiến nhằm cải thiện tình trạng phân biệt sắc tộc. Các quan chức cho rằng đây là công việc quan trọng nhằm đảm bảo khi các binh sĩ tham chiến, họ trở thành một lực lượng chiến đấu gắn kết.
Hiện tại, nhiều người cũng lo lắng về những gì có thể xảy ra sau cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới, đặc biệt là nếu kết quả không rõ ràng ngay sau đêm bầu cử.
Tháng trước, Milley nói với các thành quốc hội rằng quân đội sẽ không tham gia vào bất kỳ vai trò nào trong cuộc bầu cử và sẽ không giúp giải quyết bất cứ tranh chấp nào nếu kết quả gây tranh cãi.
"Trong trường hợp tranh chấp nảy sinh liên quan một số khía cạnh của cuộc bầu cử, quốc hội và tòa án Mỹ có nhiệm vụ giải quyết, không phải quân đội", ông viết trong bức thư gửi Ủy ban Quân vụ Hạ viện.
Bất chấp lời khẳng định từ Milley, trong trường hợp một cuộc khủng hoảng hiến pháp nổ ra do kết quả bầu cử không rõ ràng, quân đội vẫn có nguy cơ bị đặt vào một vị trí khó khăn, đặc biệt là khi ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden từng tuyên bố: "Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng họ sẽ hộ tống ông ấy khỏi Nhà Trắng", đề cập tới Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ.
Vũ Hoàng (Theo CNN)