"Tôi đang đi cùng con gái thì Tổng thống Donald Trump gọi điện và cảm ơn tôi", nghị sĩ Thụy Điển Magnus Jacobsson viết trên Twitter hôm nay. "Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện tốt đẹp về hòa bình ở Trung Đông và vùng Balkan. Tôi chúc Tổng thống may mắn với các tiến trình hòa bình".
Jacobsson hôm 11/9 đề cử Trump, cùng chính quyền Kosovo và Serbia, cho giải Nobel Hòa bình vì những hoạt động chung giữa họ đối với nền hòa bình và phát triển kinh tế, thông qua thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa hai kẻ thù "không đội trời chung" ở vùng Balkan được ký kết tại Nhà Trắng gần đây.
Nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde, người hôm 9/9 cũng đề cử Trump cho giải thưởng cao quý, nhận được cuộc gọi từ Tổng thống Mỹ hôm 21/9.
"Cuộc gọi chỉ nhằm cảm ơn tôi vì đã đề cử. Tôi rất ngạc nhiên. Ông ấy thật sự tốt khi làm điều đó. Tôi nghĩ không phải ai cũng làm như thế", Tybring-Gjedde cho biết, nhưng không tiết lộ chi tiết cuộc trò chuyện.
Trong thư đề cử gửi Ủy ban Nobel, Tybring-Gjedde, chủ tịch phái đoàn Na Uy tại Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đánh giá chính quyền Trump đóng vai trò trung gian quan trọng giúp thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Israel.
Những người được quyền đề cử ứng viên giải Nobel Hòa bình phải là thành viên quốc hội hoặc nội các của các quốc gia, thành viên của một số tòa quốc tế, giáo sư các ngành lịch sử, khoa học xã hội, luật, triết học, thần học và tôn giáo, cá nhân hoặc tổ chức từng giành giải, hoặc thành viên, cựu thành viên và cựu cố vấn của Ủy ban Nobel Na Uy.
Hầu hết chuyên gia đánh giá Trump không có nhiều cơ hội nhận được giải Nobel Hòa bình, dựa trên những tranh cãi toàn cầu xung quanh ông, cùng việc Ủy ban Nobel thường ưu tiên các lãnh đạo theo quan điểm tự do. Tuy nhiên, các đề cử dành cho Trump dường như làm nổi bật chính sách đối ngoại chủ chốt gần đây của Washington là kiến tạo hòa bình, ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.
Ánh Ngọc (Theo AFP)