Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 18/9 cho rằng Triều Tiên đang "cố tình khiêu khích, dường như nhằm thúc đẩy giới hạn mà không vượt qua ranh giới họ nghĩ rằng có thể khiến họ dễ bị tấn công".
Theo CNN, một quan chức am hiểu các lựa chọn đang được Mỹ tính toán cho biết hiện câu hỏi đặt ra là liệu chương trình tên lửa Triều Tiên đã tiến lên mức trở thành mối đe doạ cố hữu, khiến Lầu Năm Góc sẽ phải đề xuất bắn rơi một tên lửa hay chưa, kể cả khi quỹ đạo của nó không có dấu hiệu trúng Mỹ hay các đồng minh. Quan chức từ chối tiết lộ danh tính do tính nhạy cảm của vấn đề.
Dù các quan chức Mỹ từ lâu cho rằng quân đội có một loạt lựa chọn để đối phó với Triều Tiên, ý tưởng bắn rơi tên lửa chủ yếu tập trung vào chiến dịch nếu nó đe doạ trực tiếp Mỹ hay các đồng minh. Giới chức đặc biệt quan ngại kể từ khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đe doạ đảo Guam, lãnh thổ Mỹ tại Thái Bình Dương.
Ý tưởng bắn rơi tên lửa kể cả khi nó không đe doạ trực tiếp không phải mới. Nhưng với hai vụ phóng tên lửa bay qua phía bắc Nhật Bản gần đây, khả năng phải cân nhắc bắn rơi dù nó không gây đe doạ trực tiếp là rất thực, một quan chức quân sự cấp cao nói.
Các thành viên chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh một loạt lựa chọn quân sự đang được đặt trên bàn và ông Mattis cho biết Mỹ có cả các lựa chọn quân sự không đặt Seoul vào vòng rủi ro, đối mặt nguy cơ bị Triều Tiên phản công, đe doạ mạng sống hàng chục nghìn dân thường.
Trong một cuộc họp không được ghi hình tại Lầu Năm Góc, khi được hỏi liệu có lựa chọn quân sự trong đó Seoul không bị "đe doạ nghiêm trọng" hay không, ông Mattis đáp: "Có, nhưng tôi sẽ không đi vào chi tiết".
Ông Mattis xác nhận đã thảo luận về lựa chọn đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc, ý tưởng bị Tổng thống Hàn Quốc bác bỏ hồi tuần trước. Tình hình vẫn còn căng thẳng khi ông Mattis nói: "Tôi tin luôn có nguy cơ lãnh đạo Triều Tiên tính toán sai lầm".
Trọng Giáp