Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua hai điều khoản xem xét bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump gồm lạm quyền và cản trở quốc hội trong cuộc bỏ phiếu tối 18/12 (sáng 19/12 giờ Hà Nội), mở đường cho việc mở phiên xử Tổng thống tại Thượng viện.
Một số người có quan niệm sai lầm rằng khái niệm "xem xét bãi nhiệm" liên quan tới việc phế truất tổng thống. Tuy nhiên, trên thực tế, xem xét bãi nhiệm chỉ là hành động Hạ viện Mỹ đưa ra các cáo buộc nhắm vào Tổng thống, tương tự bản cáo trạng của cơ quan công tố trong các vụ án hình sự.
Quá trình xem xét bãi nhiệm Trump bắt đầu khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi công bố khởi động cuộc điều tra hồi tháng 9, sau khi nhận đơn tố giác của một người giấu tên, cáo buộc gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 để nước này điều tra Joe Biden và con trai Hunter. Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden được coi là đối thủ lớn nhất của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Khi đảng Dân chủ bắt đầu cuộc điều tra, Trump tuyên bố mình không làm gì sai. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống không nhất thiết phải vi phạm luật hình sự thì mới bị xem xét bãi nhiệm. Nhiều nhà bình luận pháp lý cho rằng việc gây áp lực cho một lãnh đạo nước ngoài can thiệp cuộc bầu cử Mỹ rõ ràng được xếp vào loại hành vi mà các nhà lập quốc coi là "có thể bị xem xét bãi nhiệm".
Quy định về xem xét bãi nhiệm được nêu tại Điều 1 và Điều 2 của Hiến pháp Mỹ, trong đó nêu rõ Hạ viện là bên duy nhất có quyền xem xét bãi nhiệm, trong khi Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xem xét mọi điều khoản bãi nhiệm. Khoản 4, Điều 2 của Hiến pháp Mỹ quy định tổng thống, phó tổng thống và mọi công chức Mỹ đều có thể bị bãi nhiệm nếu Thượng viện kết luận họ có hành vi phản bội, hối lộ hay các trọng tội và hành vi sai trái khác, nhưng không quy định cụ thể.
Đảng Dân chủ cáo buộc Trump gây nguy hiểm cho hiến pháp, an ninh quốc gia và làm suy yếu công bằng của cuộc bầu cử năm 2020. Pelosi chọn Ủy ban Tình báo Hạ viện dẫn dắt cuộc điều tra. Ủy ban Tình báo, bên cạnh Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện cùng Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã triệu tập hàng chục nhân chứng để lấy lời khai phục vụ cuộc điều tra, song không phải ai cũng tuân thủ yêu cầu.
Ngày 13/12, Ủy ban Tư pháp bỏ phiếu phê chuẩn hai điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump. Tại cuộc bỏ phiếu ngày 18/12, tất cả đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đều phản đối các điều khoản xem xét bãi nhiệm và chỉ có ba đảng viên Dân chủ phản đối ít nhất một điều khoản. Hai đảng viên Cộng hòa và một đảng viên Dân chủ không bỏ phiếu, trong khi nghị sĩ Dân chủ bang Hawaii bỏ phiếu "trung lập".
Hạ viện Mỹ là nơi bắt đầu mọi nỗ lực xem xét bãi nhiệm, song Thượng viện mới là nơi chúng kết thúc. Sau khi thông qua hai điều khoản xem xét bãi nhiệm, Hạ viện Mỹ sẽ chuyển chúng tới Thượng viện để tổ chức một "phiên tòa" xem xét các điều khoản này vào tháng sau. Nếu bị Thượng viện "kết tội", Trump không bị kết án hình sự, mà bị phế truất khỏi chức vụ.
Theo giáo sư Jessica Levinson, giám đốc Viện nghiên cứu Dịch vụ Công trường Đại học Luật Loyola, Hiến pháp Mỹ không quy định chi tiết về cách thức Thượng viện tiến hành một phiên tòa xem xét bãi nhiệm. Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ trao cho đảng chiếm đa số ở Thượng viện quyền "định đoạt cuộc chơi", qua đó quyết định bên thắng cuộc.
Levinson so sánh quá trình Hạ viện bỏ phiếu các điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump giống như việc bồi thẩm đoàn trong một phiên tòa quyết định ai đó có tội hay không, dựa trên các bằng chứng có được. Nếu họ quyết định bị cáo có tội, người đó sẽ bị đưa ra xử. Trong tố tụng hình sự, các phiên xử được tổ chức tại tòa án, còn trong các cuộc xem xét bãi nhiệm, phiên xử sẽ diễn ra tại Thượng viện.
Tại phiên tòa, các thành viên Hạ viện sẽ đóng vai trò công tố viên, các thượng nghị sĩ là bồi thẩm đoàn, Chánh án Tòa án Tối cao giữ vị trí chủ tọa. Nếu muốn kết tội và phế truất tổng thống, quyết định trên phải nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Thượng viện.
Hiến pháp Mỹ cho phép Thượng viện toàn quyền giải quyết các điều khoản xem xét bãi nhiệm và họ không cần thiết phải xử lý mọi điều khoản. Mặc dù ít khả năng xảy ra, Thượng viện có quyền bỏ phiếu để bác một hoặc cả hai điều khoản xem xét bãi nhiệm do Hạ viện trình lên. Điều này về cơ bản sẽ kết thúc phiên tòa trước khi nó bắt đầu.
Thượng viện Mỹ hiện có 53 đảng viên Cộng hòa, 45 đảng viên Dân chủ và hai thành viên độc lập có xu hướng về phe Dân chủ. Việc kết tội và phế truất tổng thống cần nhận được 67 phiếu ủng hộ. Vậy nên, để phế truất Trump thông qua "phiên tòa" tại Thượng viện, phe Dân chủ cần toàn bộ thượng nghị sĩ đảng mình và ít nhất 20 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng hai thượng nghị sĩ độc lập bỏ phiếu chống lại ông.
Đây được coi là kịch bản rất khó xảy ra, bởi các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa dù ít nhiều không hài lòng với cách lãnh đạo cũng như những phát ngôn của Trump, họ vẫn sẽ không bỏ phiếu chống lại ông, bởi việc phế truất Tổng thống còn liên quan đến quyền lực chính trị và sự sinh tồn của chính đảng Cộng hòa.
Đến nay, chưa có tổng thống Mỹ nào bị phế truất sau một cuộc xem xét bãi nhiệm. Tổng thống Richard Nixon đã từ chức ngay trước khi bị xem xét bãi nhiệm vào năm 1974. Tổng thống Andrew Johnson năm 1868 bị Hạ viện xem xét bãi nhiệm nhưng không bị kết tội tại Thượng viện. Tổng thống Bill Clinton bị xem xét bãi nhiệm năm 1998 do bê bối với thực tập sinh tại Nhà Trắng Monica Lewinsky song được tha bổng tại Thượng viện.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, NBC)