"Cầu Crimea đã chịu những hư hại rất nghiêm trọng. Cây cầu này là một trong những biểu tượng của 'thế giới Nga'. Tuần dương hạm Moskva đã bị phá hủy, cầu Crimea cũng chung số phận như vậy. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy chính quyền ở Nga không còn nhiều thời gian nữa", lãnh đạo tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov trả lời phỏng vấn hôm 24/10. Thế giới Nga là khái niệm do Moskva thúc đẩy, chỉ sự thống nhất của những người nói tiếng Nga hoặc gắn liền với văn hóa Nga.
Dự án cầu vượt qua eo biển Kerch được khởi công năm 2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và hoàn thiện năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Với chiều dài 19 km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép ôtô và tàu hỏa qua lại.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển xe bọc thép vào các khu vực phía nam nước láng giềng. Một vụ nổ trên cầu hôm 8/10 khiến 4 người thiệt mạng và hai làn đường bị hư hại.
Budanov đồng tình với gợi ý của Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng vụ nổ cầu Crimea có thể là hệ quả cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa quân đội và cơ quan an ninh Nga.
"Cầu Crimea là một biểu tượng sẽ bị phá hủy. Khi Crimea trở về với Ukraine, cây cầu này sẽ không còn tồn tại. Không ai cần đến con đường giao thông này", ông Budanov nói thêm.
Ngay sau vụ nổ cầu Crimea, Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine, tuyên bố cầu Crimea "là khởi đầu" và "mọi thứ bị đánh cắp phải được trả lại cho Ukraine". Không quân Ukraine cũng đăng trên mạng xã hội hình ảnh đám cháy trên cầu Crimea kèm thông điệp "các toa nhiên liệu bốc cháy, một đoạn đường bị phá hủy. Mọi thứ sẽ là của Ukraine".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine gây ra vụ nổ và ra lệnh tiến hành đợt tập kích quy mô lớn bằng tên lửa vào Kiev và nhiều thành phố Ukraine ngày 10/10 để đáp trả. Việc sửa chữa cầu dự kiến hoàn thành vào mùa hè năm 2023.
Tuy nhiên, giới chức Ukraine bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ nổ. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 20/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine không liên quan tới vụ nổ trên cầu Crimea và ông không ra lệnh thực hiện cuộc tấn công như vậy.
"Lực lượng an ninh Nga có nhiều hệ thống quyền lực hoạt động theo chiều dọc, với cấu trúc chỉ huy từ trên xuống dưới. Đó là một hệ thống lớn, gồm nhiều nhánh, trong đó các nhánh thường xuyên cạnh tranh với nhau để chiếm vai trò chủ đạo", ông nói, song không đưa ra dẫn chứng.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014. Ukraine không công nhận điều này, gọi Crimea là "lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời". Hồi tháng 8, Cố vấn Tổng thống Ukraine Podolyak nói rằng chiến sự với Nga chỉ có thể chấm dứt khi Kiev giành lại bán đảo Crimea.
Huyền Lê (Theo Pravda, Odessa Journal)