![]() |
Kaing Guek Eav, giám đốc nhà tù S21 dưới thời Khmer Đỏ, tại tòa. Ảnh: EPA. |
Duch, tên thật là Kaing Guek Eav, cầu xin gia đình các nạn nhân của chế độ diệt chủng tha tội cho ông ta, tại phiên tòa án do Liên Hợp Quốc chủ trì.
Ông ta khẳng định không giữ chức vụ cấp cao nào trong chính quyền Campuchia từ năm 1975 - 1979, giai đoạn mà gần hai triệu người dân nước này bỏ mạng.
"Tôi xin phép được xin lỗi những người sống sót và thân nhân của những người đã chết trong giai đoạn đó. Lời cầu xin của tôi giờ đây là mong có được đường xin tha thứ", người đứng đầu nhà tù mang biệt danh S-21, nơi từng tra tấn và giết khoảng 15.000 người, nói.
Nhóm luật sư bào chữa cho Duch đề nghị cho ông ta được phát biểu trước tòa sau khi các công tố viên dành cả buổi sáng liệt kê tội danh chống lại loài người, tội ác chiến tranh, giết người có chủ định và tra tấn người khác của ông ta.
"Tôi xin được nhận trách nhiệm pháp lý về những gì đã làm. Tôi xin nhấn mạnh rằng tôi chịu trách nhiệm về những tội ác ở nhà tù S21, đặc biệt là việc tra tấn và hành quyết ở đó", Duch nói.
Dù nhận tội, Duch khẳng định vai trò của ông ta không kinh khủng như liệt kê của các công tố viên. "Tôi chỉ là kẻ giơ đầu chịu báng và là một mắt xích trong chế độ diệt chủng đó thôi. Khi đó tôi coi mạng sống của gia đình mình quan trọng hơn các tù nhân. Dù tôi biết mệnh lệnh tôi đưa ra là tội ác, tôi không dám trái lời cấp trên", ông ta nói.
Duch là kẻ đầu tiên trong số 5 cựu lãnh đạo của Khmer Đỏ sẽ ra hầu tòa. Ông ta bị bắt giam năm 1999, khi đang làm nhân viên cứu trợ của một tổ chức Công giáo. Lệnh bắt chính thức của tòa án đặc biệt được đưa ra tháng 7/2007.
Chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, nắm chính quyền từ năm 1975 đến 1979 với chính sách tàn bạo, đã gây ra cái chết của khoảng 1,7 triệu người Campuchia. Pol Pot, thủ lĩnh của Khmer Đỏ, chết năm 1998. Nhiều kẻ cầm đầu khác của Khmer Đỏ giờ đã già, và công luận đang lo ngại rằng họ có thể được chết già trước khi phải ra đối mặt với công lý.
Nhà tù Toul Sleng, nơi Duch làm giám đốc, là một bộ máy tra tấn dã man những người bị tình nghi là có ác cảm với chế độ Khmer Đỏ. Các nạn nhân bị giam, đánh đập cho đến chết ở đây hoặc bị đưa ra tàn sát ở một vườn cây ở ngoại ô Phnom Penh - Cheng Euk. Nơi này giờ đây nổi tiếng với cái tên "cánh đồng chết".
Ngọc Sơn (theo AFP)