Kaing Guek Eav, tên thường gọi Duch, cai ngục của nhà tù khét tiếng S21, nơi hàng chục nghìn người đã bị tra tấn dã man và chết, dự kiến đưa ra lời xin lỗi vào cuối tuần này. "Chắc chắn ông ta sẽ tận dụng cơ hội để nói với các quan tòa, các nạn nhân, và hơn hết là với nhân dân Campuchia", luật sư người Pháp Francois Roux nói. Phiên xử đầu tiên đối với các lãnh đạo Khmer Đỏ diễn ra hồi tháng hai. Đối với nhiều người dân Campuchia, phiên tòa đặc biệt được mở ra từ năm 2006 sau một thập kỷ thương lượng giữa Campuchia và LHQ này, là cơ hội để nhìn thấy công lý trừng phạt các tội các của tập đoàn Khmer Đỏ. Duch, cựu giáo viên toán 66 tuổi, bị truy tố năm ngoái vì tội chỉ đạo thực hiện các vụ tra tấn và hành hình 15.000 người bao gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em tại nhà tù mà y phụ trách. Nhà tù này được xây trong một trường trung học cũ. Y bị cáo buộc các tội danh chống nhân loại, tội ác chiến tranh, tra tấn và giết hại nhiều người. Y có thể bị tuyên án chung thân - mức cao nhất mà tòa án đặc biệt có quyền tuyên. Trong tuần này, Duch sẽ đọc bản bào chữa của y. Các luật sư sẽ đọc lời mở đầu trước, sau đó đến phần y tự biện hộ đối với các lời cáo buộc. Hàng trăm người đã mất người thân ở nhà tù Tuol Sleng tham dự phiên tòa. Buổi làm việc hôm nay bắt đầu lúc 10 giờ sáng. Tại tòa, Duch sẽ ngồi cùng với các quan tòa, luật sư và nhân chứng đằng sau một tấm kính chống đạn lớn, đề phòng bị tấn công. Duch bị bắt giam năm 1999, khi đang làm nhân viên cứu trợ của một tổ chức Công giáo. Lệnh bắt chính thức của tòa án đặc biệt được đưa ra tháng 7/2007. Chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, nắm chính quyền từ năm 1975 đến 1979 với chính sách tàn bạo, đã gây ra cái chết của khoảng 1,7 triệu người Campuchia. Pol Pot, thủ lĩnh của Khmer Đỏ, chết năm 1998. Nhiều kẻ cầm đầu khác của Khmer Đỏ giờ đã già, và công luận đang lo ngại rằng họ có thể được chết già trước khi phải ra đối mặt với công lý. Nhà tù Toul Sleng, nơi Duch làm giám đốc, là một bộ máy tra tấn dã man những người bị tình nghi là có ác cảm với chế độ Khmer Đỏ. Các nạn nhân bị giam, đánh đập cho đến chết ở đây hoặc bị đưa ra tàn sát ở một vườn cây ở ngoại ô Phnom Penh - Cheng Euk. Nơi này giờ đây nổi tiếng với cái tên "cánh đồng chết". T. Huyền (theo AFP) |