Ngày 17/4, quyết định được TAND Cấp cao tại TP HCM đưa ra sau gần hai tuần xử phúc thẩm.
Theo HĐXX, bị cáo Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính hơn 156 tỷ đồng và nộp thay cho đồng phạm 3,9 tỷ đồng; từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, gia đình có công với cách mạng nhưng cấp sơ thẩm chưa ghi nhận. Trong vụ án này, Hữu có con Phan Lê Hoàng Anh cũng đang bị tạm giam, vợ bị cáo bị mù, cha mẹ già cần người chăm sóc... Từ đó, tòa giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
HĐXX cũng chấp nhận kháng cáo của Phan Lê Hoàng Anh, giảm án từ 3 năm 6 tháng xuống 2 năm 6 tháng tù. Theo tòa, bị cáo phạm tội với vai trò giúp sức cho cha nhưng không được hưởng lợi, tự nguyện dùng 19 tỷ đồng trong tài khoản của mình để khắc phục thiệt hại cho cha...
Có vai trò tương đương ông Hữu, bị cáo Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) cũng được giảm từ 16 xuống 15 năm tù về tội Buôn lậu, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính còn thiếu là 37 tỷ đồng.
Lý do tòa giảm nhẹ là đến phiên phúc thẩm bị cáo đã nộp tổng cộng 9 tỷ đồng khắc phục thiệt hại. Quá trình điều tra vụ án, Viễn tự nguyện ra trình diện thể hiện sự ăn năn nhưng chưa được cấp sơ thẩm xem xét, phạm tội lần đầu, gia đình có công với cách mạng...
HĐXX cũng ghi nhận tình tiết đã khắc phục toàn bộ 74 tỷ đồng thu lợi bất chính của Nguyễn Hữu Tứ (người chịu trách nhiệm tiêu thụ xăng lậu cho Hữu), giảm án từ 15 năm xuống 13 năm tù.
Đối với kháng cáo của hầu hết bị cáo còn lại, tòa cũng chấp nhận chuyển từ hình phạt tù sang phạt tiền, giảm án bằng thời gian tạm giam, hoặc đến 9 năm tù. Lý do là họ đều đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính, thân thân tốt, có vợ hoặc chồng cùng bị giam trong vụ án hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo...
Riêng kháng cáo của cựu cán bộ hải quan Ngô Văn Thụy, HĐXX không chấp nhận, tuyên y án 15 năm tù. Tòa cho rằng có đủ căn cứ xác định bị cáo đã nhận tổng cộng hơn 832 triệu đồng từ Hữu và Tứ để không kiểm tra các tàu buôn lậu. Hành vi của bị cáo là xâm hại đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước, gây mất niềm tin trong nhân dân. "Lý do kháng cáo thể hiện bị cáo không thành khẩn. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có cơ sở giảm án", bản án nêu.
Tòa cũng bác toàn bộ kháng nghị của VKS về việc tăng án 10 bị cáo bởi "mức án cấp sơ thẩm áp dụng là tương xứng và thể hiện sự nhân đạo của pháp luật".
Về tang vật là các tàu hàng, xe bồn và các tài sản, tòa giữ nguyên phán quyết của cấp sơ thẩm - tuyên tịch thu sung công quỹ.
Bản án xác định, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm Hữu và Viễn đã dùng tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn), Western Sea (5.000 tấn) vận chuyển 48 chuyến xăng lậu với tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá hơn 2.596 tỷ đồng về Việt Nam. Trong đó, nhóm này đã tiêu thụ hơn 197 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng ông Hữu hưởng hơn 156 tỷ.
Ngoài việc hợp tác với ông Hữu, cuối năm 2020, ông Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua hai tàu Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên, đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ. Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng.
Hải Duyên