Ngày 21/11, phiên xử đại gia xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 72 người trong đường dây Buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng tiếp tục với bào chữa của các luật sư và bị cáo.
Là người đầu tiên tham gia bào chữa, luật sư Tạ Ngọc Bảo (bào chữa cho Đào Ngọc Viễn) đồng ý với cáo trạng truy tố thân chủ về tội Buôn lậu. Tuy nhiên, luật sư cho rằng, cơ quan điều tra cần xác định lại số xăng buôn lậu vì cáo trạng chưa nói rõ mỗi chuyến tàu các bị cáo mua bao nhiêu lít, tàu chở về Việt Nam bao nhiêu. Bởi theo luật sư, trước đó Phan Thanh Hữu khai trước tòa đưa tiền mua xăng cho chủ hàng bên Singapore lúc nhiều, lúc ít, chứ không phải chuyến nào cũng giống nhau.
Về việc VKS đề nghị tịch thu 2 tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn), luật sư cho là chưa thỏa đáng vì đây là tài sản của Công ty Đại Dương Hải Phòng chứ không phải của cá nhân Viễn. Số tiền mua hai tàu này là công ty vay vốn ngân hàng.
Luật sư cũng cho rằng, cáo trạng của VKS không xác định được lúc vận chuyển và giao hàng các tàu của Viễn có vào vùng biển Việt Nam chưa, hay còn ở vùng biển quốc tế. Nếu việc giao hàng diễn ra ở vùng biển quốc tế thì chưa thể xác định hành vi vi phạm của hai chiếc tàu này.
Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung, xác định lại số tiền thu lợi bất chính của bị cáo Viễn; đồng thời cho rằng thân chủ có nhiều tình tiết giảm nhẹ chưa được VKS ghi nhận như: đầu thú, có cha là liệt sĩ...
Tự bào chữa sau đó, bị cáo Viễn nhắc lại quan điểm số tiền thu lợi bất chính trên mỗi lít xăng chỉ có 1.500 đồng chứ không phải 2.000 đồng như cáo buộc. Ngoài ra, số tiền lời từ ba chuyến cuối chưa được Phan Thanh Hữu thanh toán. "Những bản khai cho rằng thu lợi 2.000 đồng trên lít xăng đều do điều tra viên viết, tôi chỉ ký vào", Viễn nói. Nội dung trình bày này của bị cáo mâu thuẫn với kết quả điều tra cũng như một số lời khai trước đó.
Đối đáp lại quan điểm của luật sư bào chữa cho Viễn, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm luận tội trước đó, nói "đề nghị trả hồ sơ và tuyên phạt bị cáo dưới mức đề nghị trước đó (16 đến 17 năm tù)" là không có căn cứ. Theo Viện, số xăng lậu 197 triệu lít mà bị cáo Viễn phải chịu trách nhiệm là dựa trên số liệu thu thập được từ sổ sách chứng từ thu giữ được tại nhà Hữu, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác và tài liệu thu thập được.
Đối với số tiền 2.000 đồng thu lợi bất chính trên mỗi lít xăng, VKS khẳng định đã áp dụng đúng. "Qua xác định mức giá xăng của Nhà nước thời điểm đó, cơ quan điều tra đã lấy mức thấp nhất, có lợi cho các bị cáo", đại diện VKS nêu quan điểm.
Về vị trí các tàu giao nhận xăng, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tư pháp từ bộ thiết bị điện tử trên tàu. Từ toạ độ này, Cục bản đồ Việt Nam xác định tàu đã giao nhận xăng trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và vùng nội thủy kinh tế Việt Nam. Do đó, đủ căn cứ xác định sai phạm của bị cáo diễn ra trên vùng biển Việt Nam.
Bào chữa cho bị cáo Phan Thanh Hữu, luật sư cho rằng thân chủ chỉ tiêu thụ 127 triệu lít (thu lợi bất chính 102 tỷ đồng) chứ không phải 197 triệu lít như cáo trạng truy tố. 67 triệu lít còn lại do người có tên A Hùng (chưa rõ lai lịch) đã bán sang Campuchia.
Quá trình buôn lậu, Hữu cũng chi 38 tỷ đồng hối lộ cơ quan chức năng nên luật sư đề nghị HĐXX trừ đi số tiền này. Do vậy, bị cáo Hữu còn thu lợi bất chính khoảng 63 tỷ đồng chứ không phải 156 tỷ đồng.
Đại diện VKS bác quan điểm của luật sư, cho rằng có đủ căn cứ xác định đường dây Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn tiêu thụ 197 triệu lít. Trong đó, căn cứ vào số liệu vận chuyển của tàu Pacific Ocean (14 chuyến, trọng tải 3.000 tấn), từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2020, Hữu bán cho Công ty Vân Trúc 7 triệu lít và Nguyễn Hữu Tứ 32 triệu lít. Giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 2/2021, trên 30 chuyến tàu Western Sea (5.000 tấn), Hữu đã bán cho Công ty Vân Trúc 28 triệu lít và Nguyễn Hữu Tứ bán 128 triệu lít.
Về số tiền 38 tỷ đưa hối lộ cho cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, hải quan... đại diện VKS cho rằng đây là tiền phạm tội, nên buộc phải tịch thu. Việc không truy tố bị cáo tội Hối lộ là do đã tố giác hành vi trước khi cơ quan điều tra phát hiện. Do đó, đề nghị của luật sư cấn trừ số tiền thu lợi bất chính này là "không có căn cứ chấp nhận".
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm Phan Thanh Hữu và Viễn đã dùng tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn), Western Sea (5.000 tấn) vận chuyển 48 chuyến xăng lậu với tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá hơn 2.596 tỷ đồng về Việt Nam. Trong đó, nhóm này đã tiêu thụ hơn 197 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 156 tỷ.
Ngoài việc hợp tác với Hữu, cuối năm 2020, Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua hai tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên, đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ. Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng
Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư khác, dự kiến kéo dài đến đầu tháng 12.
Phước Tuấn - Hải Duyên