Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai), nêu ý kiến tại diễn đàn Xây dựng chính sách pháp luật của công đoàn vì quyền lợi lao động, chiều 30/11 ở Hà Nội. Diễn đàn khởi động một ngày trước phiên khai mạc Đại hội Công đoàn 13 (nhiệm kỳ 2023-2028).
Gần 30 năm làm cán bộ công đoàn tại Taekwang Vina, nơi có 31.000 lao động, ông Phúc cho biết trước đây phần lớn công nhân hiểu biết pháp luật chưa cao hoặc không quan tâm tới chính sách sát sườn. Nhưng tình hình dần thay đổi, ví dụ khi công đoàn lấy ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, công nhân bàn luận sôi nổi, tranh luận về các phương án rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
"Đây là tín hiệu mừng. Khi lao động đã lên tiếng về quyền lợi thì các cơ quan làm chính sách cần lưu tâm để việc xây dựng, sửa đổi chính sách sát thực tiễn hơn", ông Phúc nói.
Ông Phúc dẫn kinh nghiệm từ công đoàn công ty luôn tận dụng tất cả kênh giao tiếp từ mạng xã hội tới đối thoại trực tiếp với lao động. Chính sách mới ban hành hoặc góp ý dự luật sửa đổi, lãnh đạo, công đoàn đều xuống tận xưởng sản xuất phổ biến, giải đáp thắc mắc cho công nhân. Công ty có quy định xử lý vướng mắc trong bao nhiêu ngày và lãnh đạo phải trực tiếp tham gia. Đến nay doanh nghiệp chưa từng xảy ra đình công.
Chủ tịch Công đoàn Teakwang Vina kiến nghị tạo lập thêm nhiều diễn đàn đối thoại trực tiếp với lao động vì họ chịu tác động cũng như thụ hưởng chính sách. Đôi khi họ có góc nhìn từ thực tế, khác với các nhà quản lý. Các bên khi lấy ý kiến nên đến tận nơi lao động ở, làm việc để ghi nhận góp ý chất lượng hơn.
Chung quan điểm, thạc sĩ Đỗ Thị Bích Thủy, chuyên gia về huy động cộng đồng, nói các dự luật khi sửa đổi đều phải lấy ý kiến người lao động, chuyên gia, các bên chịu tác động. Nhưng người lao động luôn phải lo cơm áo gạo tiền, không có thời gian lên mạng đọc văn bản hoặc viết góp ý. Vì vậy, các cấp công đoàn khi lấy ý kiến nên gặp trực tiếp, đi thẳng vào quyền lợi mà họ quan tâm.
Bà Thủy góp ý công đoàn Việt Nam nên phát triển hệ thống dữ liệu nối mạng toàn quốc, phân cấp quản lý theo từng tỉnh. Cán bộ công đoàn cơ sở được cấp quyền trực tiếp cập nhật ý kiến từ người lao động phản ánh lên trên và cách giải quyết. Hệ thống dữ liệu này sẽ giúp hệ thống công đoàn nắm tình hình cụ thể để kịp kiến nghị sửa đổi chính sách.
Để chính sách thực thi hiệu quả, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng công đoàn phải tham gia và sâu sát từ đầu khâu xây dựng dự thảo đến bước thẩm tra, nhất là các luật sửa đổi liên quan trực tiếp lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Việc làm, Bộ luật Lao động. Quan trọng nhất là trực tiếp lấy ý kiến người lao động, nếu cần thì mời thêm chuyên gia.
"Nhiều chính sách hiện nay không đánh giá tác động nên khi ban hành khó đi vào thực tiễn", ông nói, dẫn ví dụ Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua năm 2015. Chính sách an sinh được cho là bước tiến nhưng lại bị công nhân phản đối ngay khi luật chưa có hiệu lực. Quốc hội sau đó phải ra Nghị quyết 93 cho rút BHXH một lần.
Sau bảy năm thực thi, cơ quan quản lý giờ đang "đau đầu" trước tình trạng lao động ồ ạt rút BHXH một lần. Ngừng giải quyết hay tiếp tục cho rút một lần lại được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp tháng 11.
Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý khẳng định công đoàn Việt Nam đang được tham gia vào tất cả khâu trong quá trình xây dựng pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội cởi mở tiếp thu ý kiến của tất cả nhóm chịu tác động của chính sách và sẵn sàng đối thoại, giải đáp khi cần.
Ông lấy ví dụ khi Bộ luật Lao động thông qua năm 2019, công đoàn ngành y tế kêu nhiều về giờ làm thêm. Nhưng suốt quá trình chỉnh lý dự luật, Ủy ban Xã hội không nhận được bất kỳ ý kiến nào của công đoàn ngành y về vấn đề này. Trong khi với ngành hàng hải, cán bộ cấp cục đến phản ánh về đặc thù của thuyền viên làm việc trên tàu. Sau thảo luận, nhóm này đã được bổ sung vào điều khoản liên quan đến điều kiện thời giờ làm việc, làm thêm cho lao động đặc thù.
"Nếu đoàn viên công đoàn thấy vấn đề chính sách pháp luật nào cần tham gia xây dựng mà khó gửi tới các cơ quan khác, có thể trực tiếp chuyển về Ủy ban Xã hội. Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận", ông nói.
Đại diện Ủy ban Xã hội góp ý công đoàn cấp trên cần nâng cao năng lực cán bộ để đủ sức dẫn dắt công đoàn cấp cơ sở. "Công đoàn cần tạo thêm nhiều diễn đàn, cách thức đối thoại trực tiếp cũng như chuyển tải ý kiến người lao động đến các cơ quan ban hành chính sách", ông Quý nói.
Đại hội Công đoàn 13 (nhiệm kỳ 2023-2028) diễn ra ngày 1-3/12 với 1.100 đại biểu tham dự. Các đại biểu sẽ thảo luận 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng nhiệm vụ, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Hồng Chiêu