
Tàu ngầm Ara San Juan hoạt động trên biển hồi năm 2013. Ảnh: AP.
Jesica Medina, em gái thủy thủ Roberto Daniel Medina cho biết đã nhận được một tin nhắn lạ từ anh trai vài ngày trước khi tàu ngầm ARA San Juan của Argentina mất tích trên Đại Tây Dương, Mirror ngày 13/12 đưa tin.
Trong tin nhắn, Roberto kể cho em gái rằng một trực thăng của hải quân Hoàng gia Anh và một tàu của Chile đang cố gắng truy tìm dấu vết ARA San Juan ở gần khu vực quần đảo Falkland vào ngày 3/11 khi tàu ngầm này đang trở về cảng nhà.
Quần đảo Falkland nằm ở phía nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Nam Mỹ khoảng 460 km, hiện là lãnh thổ tự trị của Anh. Tuy nhiên Argentina cũng tuyên bố chủ quyền với Falkland, cho rằng Anh đang chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo.
"Vào thứ hai một trực thăng Anh đang truy tìm bọn anh, và hôm qua là người Chile, có rất nhiều chuyện xảy ra", tin nhắn viết.
Jesica khẳng định nhiều gia đình khác của những thủy thủ mất tích cũng nhận được thông tin tương tự từ người thân, nói rằng họ đang phải chạy trốn một trực thăng Anh.
"Tôi không biết tại sao anh ấy nói như thế. Tiếc là chúng tôi không tiếp tục nói chuyện cụ thể về việc đó, chúng tôi chuyển sang nói về gia đình và những đứa trẻ như thường lệ", Jesica nói.
Em gái thủy thủ Argentina giải thích lý do không trình báo tin nhắn cho chính quyền ngay sau khi con tàu mất tích vào ngày 15/11 là do cô cảm thấy không có khả năng xảy ra chuyện đó.
Phát ngôn viên hải quân Hoàng gia Anh bác bỏ thông tin của Jesica đồng thời khẳng định nước này không có căn cứ trực thăng chống ngầm nào ở gần quần đảo Falkland.
Tàu ngầm ARA San Juan mất liên lạc trên Đại Tây Dương hôm 15/11 khi di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến thành phố Mar del Plata cùng với 44 thủy thủ.
Các quan chức hải quân cho biết các thuỷ thủ không còn cơ hội sống sót, họ ngừng cứu hộ từ đầu tháng 12 chuyển sang tập trung tìm kiếm trục vớt tàu. Các tàu ngầm không người lái của Mỹ và Nga sẽ tìm kiếm ở độ sâu đến 6.000 m.
Vào giai đoạn cao điểm, 28 tàu và 9 máy bay của 11 nước tham gia tìm kiếm con tàu, phạm vi trong gần 40.000 km2 trên biển, với 4.000 người tham gia.

Vị trí quần đảo Falkand. Đồ họa: BBC.
Nguyễn Hoàng