Vùng đất xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị - nơi Vũ Phong lớn lên chuyên trồng mía, trải dài hàng trăm ha. Ngày nhỏ Phong một buổi đi học một buổi theo cha ra đồng chăm sóc mía nên hiểu nỗi nhọc nhằn của những nông dân trồng mía. Mỗi khi trời hạn hán, chủ ruộng mía xách từng thùng nước tưới dưới cái nắng cháy da. Mỗi mùa ruộng mía trải qua hàng chục lần tỉa lá.
Là con lớn và lao động chính trong nhà, song cha mẹ Phong luôn động viên con cố gắng học hành, đừng lao vào những ruộng mía, khổ cực nhưng chẳng biết khi nào mới khá. Bốn năm rời xa cánh đồng mía, theo học ngành công nghệ thông tin trường Đại học Cửu Long, anh nghĩ bản thân thực sự rời xa những thửa ruộng đỏ quạch vì nhiễm phèn.
Sau khi ra trường, Phong chọn ở lại TP Cần Thơ và có công việc ổn định. Song những lần về thăm quê, chàng thanh niên tuổi đôi mươi cảm thấy nợ mảnh đất nơi "chôn nhau cắt rốn" khi bản thân thoát cảnh lam lũ nhưng người ở quê quần quật không biết tương lai.
Đỉnh điểm năm 2015, giá mía giảm sâu, chỉ 500 đồng một kg, chẳng đủ tiền thuê nhân công đốn mía. Vì quá chán nản, một vài nông dân châm lửa đốt cháy cả ruộng mía sắp thu hoạch. "Phong nhìn ngọn lửa ngùn ngụt mà buồn rười rượi, nghĩ bản thân phải làm gì đó cho quê hương", anh nhớ lại.
Năm 2016, trở lại Cần Thơ, Phong quyết định nộp đơn xin nghỉ, về quê đi qua từng thửa ruộng trong vùng để tìm hiểu đất đai, chọn loại cây trồng phù hợp thay thế cây mía. Sau nhiều tháng Phong thuyết phục gia đình, chuyển đổi sang trồng hồ tiêu vì chủ động được đầu ra, dự trữ nếu giá thấp.
Trước khi trồng, chàng trai quê miền Tây quyết định khăn gói lên Tây Nguyên học kỹ thuật trồng tại các rẫy hồ tiêu, chỉ cần bao ăn ở, không nhận lương. Hai tháng sau, hành trang về quê của Phong có thêm 200 cây giống hồ tiêu, trồng thử nghiệm trên mảnh vườn sau nhà.
"Nhiều người chửi tui khùng", anh nhớ lại những nghi ngại của người dân địa phương vì vùng này chẳng ai dám trồng hồ tiêu trên đất phèn. Chàng thanh niên chỉ cười trừ vì họ chưa hiểu, trước khi đi Tây Nguyên, Phong đã cất công cải tạo đất bằng hàng trăm bao phân bò.
Toàn bộ phân hữu cơ, Phong xin của những hộ nuôi bò, thường ô nhiễm do chất đống không biết dùng vào đâu. "Chủ nhà cho phân chuồng, còn đãi cơm nước với yêu cầu phải xúc hết không được bỏ lại", Phong cười nhớ lại khoảng thời gian ai cũng mắt tròn mắt dẹt khi chàng kỹ sư, công việc ổn định đi xúc từng bao phân bò về bón vườn.
Ngoài ra, chủ mô hình khởi nghiệp này còn tận dụng cây tràm sẵn có làm trụ cho tiêu leo lên. Để bắt kịp tốc độ phát triển của tiêu, Phong chọn tràm đã lớn cao khỏi đầu người, khi bứng thì ngâm trong nước khoảng một tuần, đợi ra rễ mới trồng xuống đất. Ngoài cây giống, hầu như anh không tốn gì thêm.
Sau nửa năm trồng, tiêu phát triển tốt trên thửa ruộng đã lên liếp, cải tạo bằng phân bò, trấu. Khi chắc chắn tiêu thích ứng với thổ nhưỡng vùng đất trũng phèn Thạnh Trị, Phong mạnh dạn mở rộng diện tích lên hai ha. Năm 2018, vườn tiêu bắt đầu cho trái vụ đầu sản lượng vài chục kg, giá bán 80.000 đồng mỗi kg.
Để không phụ thuộc vào thương lái, chàng trai quê Thạnh Trị bắt đầu tham gia vườn ươm khởi nghiệp của tỉnh nằm trong dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng do chính phủ Canada tài trợ. Qua các lớp tập huấn, Phong bắt đầu xây dựng thương hiệu cho hạt tiêu mình trồng, lấy tên quê hương xã Lâm Tân làm tên sản phẩm.
Qua tham khảo nhu cầu của người tiêu dùng, anh cải tiến cách phơi tiêu trên các giàn phơi cách mặt đất nửa mét để hạn chế bụi, bẩn. Ngoài ra, Phong chia ra nhiều lần hái đảm bảo thu hoạch khi hạt đã chín thay vì chỉ hai lần, tiêu non sẽ lép, kém chất lượng. Tiêu thành phẩm được đóng gói trong, có nhãn mác, bao bì chỉn chu, được Phong chào bán tại các chợ, kênh phân phối trong tỉnh. Giá bán nâng lên gấp đôi, khoảng 160.000 đồng mỗi kg.
Hai năm 2019 và 2020 Phong đã lấy vốn đầu tư, vụ tiêu năm nay thu được ba tấn tiêu thành phẩm bán gần 500 triệu đồng, lãi hơn 40%. Hiện, anh còn liên kết với một số nông dân trong vùng mở rộng thêm diện tích 6 ha với hình thức hỗ trợ kỹ thuật trồng và bao tiêu đầu ra.
Giữa tháng 6, tại lễ kỷ niệm 22 năm quan hệ hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng và Canada, Phong được dự án mời chia sẻ. Anh hi vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng với những người trẻ muốn vươn lên từ mảnh đất quê hương.
Ngọc Tài