Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ của công dân trong độ tuổi theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.
Theo điểm a khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019, người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Điều 31 Bộ luật này quy định: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP cũng quy định về chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ như sau: Hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ.
Trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành. Cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương nơi tổ chức kinh tế nói trên đóng bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành.
Như vậy, bạn làm doanh nghiệp tư nhân thì khi tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ được tạm hoãn hợp đồng lao động mà không phải chấm dứt hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, khi thực hiện nghĩa vụ quân sự xong, công ty phải có trách nhiệm tiếp nhận lại bạn.
Đối với trường hợp làm trong cơ quan nhà nước, theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP nêu trên, hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ.
Trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp. Trường hợp cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp đó đã giải thể hoặc không có cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan cùng cấp để giải quyết việc làm.
Như vậy, nếu bạn làm trong cơ quan Nhà nước thì thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội