Thứ tư, 15/5/2024
Chủ nhật, 17/12/2023, 00:00 (GMT+7)

Trồng quất cảnh bán Tết ở Hội An

Quảng NamNhững ngày này, hơn 360 hộ dân phường Cẩm Hà, TP Hội An tất bật chăm sóc 65.000 chậu quất để bán Tết Giáp Thìn.

Gần hai tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, vườn quất ở phường Cẩm Hà, TP Hội An bắt đầu chuyển màu, trái xanh chuyển dần qua vàng. Hàng ngày người dân ra vườn chăm sóc để trái chín đúng dịp Tết.

Ông Phan Chấn, xã Cẩm Hà, cho biết nghề trồng quất bán Tết ở Cẩm Hà có hơn 100 năm, song phát triển mạnh từ những năm 90 của thế kỷ trước khi lượng người mua lớn.

Từ đó Cẩm Hà trở thành vùng trồng quất lớn nhất miền Trung. Để phục vụ Tết, mỗi năm ông trồng 200-400 chậu, trừ chi phí thu về hơn 150 triệu đồng, năm được giá gần 300 triệu đồng.

Khác với trồng quất cảnh bán Tết ở miền Bắc, quất ở Hội An từ nhỏ được trồng trên ruộng khoảng hai năm. Đến năm thứ ba, từ tháng 9-10 Âm lịch người dân bứng cây quất vào chậu.

Để có chậu quất bán Tết phải trải qua nhiều công đoạn, tốn công sức. Hơn một năm trồng trong chậu, người dân phải thường xuyên phun thuốc phòng sâu bệnh, cắt tỉa cành, tưới nước, bón phân, loại bỏ quả xấu...

Hàng ngày ông Nguyễn Văn Thanh ra vườn từ sáng sớm để tưới nước cho quất, sau đó chuyển qua chăm sóc cây, cắt bỏ những quả nhỏ. "Năm nay tôi trồng 600 chậu, đạt chất lượng 500 chậu là quá thành công. Hiện thương lái đặt mua gần 400 chậu", người đàn ông 56 tuổi, thâm niên 20 năm trồng quất, nói.

Tiêu chí chậu quất được giá là lá, quả to đều, ra lộc dịp Tết. Quất trồng nhiều loại, giá bán 0,7-5 triệu đồng một chậu. Những cây lớn, thế đẹp bán vài chục triệu đồng, quất mini 70.000-150.000 đồng.

Hàng năm khoảng tháng 10 Âm lịch, thương lái miền Trung và Tây Nguyên đến tận vườn xem và đặt mua. Sau khi thống nhất giá cả, khách mua ghi tên đánh dấu, ký gửi để chủ vườn chăm sóc đến cận Tết mới chở đi bán.

Để phục vụ người trồng quất, xã Cẩm Hà có nhiều người chuyên làm nghề đúc chậu. Chậu được làm bằng ximăng, bán 30.000-100.000 đồng mỗi chiếc tùy kích cỡ.

Gần Tết, chủ vườn quất cho từng chậu lên xe kéo ra đường bàn giao cho thương lái.

Để làm đẹp, chủ vườn quét sơn chậu trước khi giao cho khách.

Ông Mai Thanh Hùng, Phó chủ tịch xã Cẩm Hà, cho biết nghề trồng quất chiếm tỷ trọng kinh tế lớn của xã, năm 2022 doanh thu khoảng 55 tỷ đồng. Năm nay, người dân trồng khoảng 65.000 chậu, tăng hơn 20.000 chậu so với năm trước.

"Hiện nông dân bán được 60% số quất, so với năm trước bán chậm hơn vì kinh tế suy thoái, khách hàng là các doanh nghiệp, người dân giảm nguồn thu nên mua quất chơi Tết ít hơn", ông Hùng nói.

Đắc Thành