Trong mắt bão

Gần 12h trưa 7/9, ngôi nhà hai gian cấp bốn - nơi đặt trạm khí tượng Bãi Cháy, Quảng Ninh, rung lắc liên hồi khi bão Yagi đổ bộ. Trạm trưởng Vũ Thị Trường cùng đồng nghiệp nấp dưới gầm bàn, vội vàng soạn đoạn tin nhắn gửi về Tổng cục Khí tượng Thủy văn:

"Báo cáo, hiện trạm khí tượng Bãi Cháy còn một gian nhà chưa bị tốc mái. Anh em quyết bám trụ, hiện vẫn an toàn. Khi nào không thể quan trắc được, anh em sẽ di dời".

Sức gió đo được khi đó cấp 14, giật cấp 17 - mạnh nhất trong 30 năm qua tại Việt Nam. Ba đồng nghiệp của chị Trường lấy thân mình chặn giữ cửa gian nhà duy nhất còn nguyên vẹn. Gian còn lại đã bị hất tung mái tôn chỉ vài phút sau khi bão vào. Mảnh vỡ và đồ đạc văng khắp nơi, nước mưa đổ xuống xối xả.

Trạm Bãi Cháy đặt trên đỉnh một ngọn đồi, là khu vực đầu tiên ở đất liền chịu sự tấn công của Yagi. Dữ liệu từ đây là nguồn thông tin quan trọng giúp "đầu não" tại Hà Nội đánh giá quy mô, sức ảnh hưởng của cơn bão để ra quyết định ứng phó tiếp theo.

"24 năm làm khí tượng, tôi trải qua không ít cơn bão, nhưng lần đầu tiên rơi vào hoàn cảnh kinh hãi đến vậy", trạm trưởng Trường kể. Suốt 5 tiếng Yagi quần thảo ở Quảng Ninh, chị và đồng nghiệp chỉ cầu nguyện cánh cửa cùng mái tôn không bị thổi bay.

5 ngày trước khi Yagi đổ bộ, cả chuyên gia Việt Nam và quốc tế đều chung nhận định đây là cơn bão rất mạnh, có khả năng thành siêu bão. Kể từ năm 1993 đến nay, Việt Nam ghi nhận 123 cơn bão đổ bộ, trung bình mỗi năm 4 cơn. Trong đó, 14 cơn xếp vào loại rất mạnh (từ cấp 12 trở lên), theo dữ liệu từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Việt Nam liên tục cập nhật thông tin với cơ quan khí tượng nước bạn để đánh giá tình hình - ba lần với Nhật Bản khi bão vào gần Biển Đông và hai lần với Trung Quốc khi nó ở gần đảo Hải Nam. Thông thường, tần suất này chỉ 1-2 lần trước bão.

"Có những thời điểm, chúng tôi phải cân nhắc từng kilomet gió, vì mỗi bản tin đưa ra sẽ kèm theo quyết định ứng phó ảnh hưởng tới cả vạn người", ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nói.

24 tiếng trước khi Yagi đổ bộ, các tỉnh miền Bắc ra lệnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học. Hơn 65 triệu tin nhắn với hai lần cảnh báo được gửi đến 32 triệu thuê bao miền Bắc. Hơn 588.000 người của quân đội, công an được huy động chuẩn bị ứng phó bão.

Tại các bãi biển dọc Quảng Ninh, Hải Phòng, lực lượng chức năng liên tục rà soát, vận động người dân di tản, nhất là những người vẫn cố bám trụ để gia cố bè nuôi thủy sản.

Thế nhưng, sức mạnh của Yagi vượt quá khả năng phòng thủ của con người.

15 giờ bão Yagi tàn phá miền Bắc

Yagi hình thành ngoài Biển Đông hôm 1/9, hướng thẳng về tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Trong hai ngày, Yagi tăng lên cấp siêu bão với tốc độ gió lên đến cấp 17 (hơn 202 km/h) - mức gió có khả năng đánh đắm tàu thuyền trọng tải lớn.

12h ngày 7/9, hơn 1,4 triệu người Quảng Ninh và 2 triệu dân Hải Phòng hứng chịu cơn bão với sức gió cấp 12-14, di chuyển tốc độ rất chậm. Trong 5 tiếng hoành hành, Yagi đã cướp đi 29 sinh mạng, khiến 1.609 người bị thương; đánh chìm 165 tàu, thuyền; làm sập, hư hại gần 108.000 nhà dân…

19h, Yagi đi qua Hải Dương - Bắc Ninh, tiến vào Hà Nội. Cơn bão quần thảo tại Thủ đô trong 3 tiếng, khiến 4 người chết, 23 bị thương; trên 40.000 cây xanh gãy đổ; hơn 2.500 ngôi nhà bị hư hại…

Yagi di chuyển về phía Tây Bắc, suy giảm thành áp thấp nhiệt đới và rời Việt Nam hôm 8/9. Nó tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở Lào và nhiều quốc gia khác.

Là nơi đầu tiên hứng trọn trận cuồng phong của Yagi, Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Trong 29 người thiệt mạng hôm bão vào, nhiều thi thể được tìm thấy trên biển, trong các xác tàu đắm.

Ông Vũ Văn Hựng, 57 tuổi, chủ một bè cá ở Hòn Cò, Vân Đồn - thủ phủ nuôi thủy sản của Quảng Ninh - hàng chục năm kinh nghiệm bám biển. Ông cũng như các ngư dân ở đây đã quen với việc kéo bè vào chân núi, chằng buộc kỹ lưỡng trước bão, và mọi năm đều an toàn. Nhưng năm nay khác hẳn.

Trước ngày bão vào, ông thấy công an, bộ đội "làm căng", sáng - trưa - chiều đi ép người dân vào bờ trú tránh. Ông tự nhủ "chắc bão to" nên càng lo, quyết một mình trốn ở lại, chỉ cho vợ con vào bờ. Với nhiều ngư dân, mất tài sản cả đời tích góp còn đáng sợ hơn cả cơn bão.

"Tôi không ngờ cơn bão mạnh đến thế", ông Hựng bàng hoàng nhớ lại.

Gió giật cấp 17 tại Quảng Ninh khiến du thuyền bị lật

Người dân Quảng Ninh tìm nơi trú ẩn khi bão càn quét

Nhiều mái tôn bật tung khi bão Yagi tấn công Hà Nội

Khoảng 11h, khi Yagi vào vùng biển Vân Đồn, sóng biển cao tới 5 m, cuốn phăng mọi thứ. Ông Hựng bị đánh bay xuống biển, may mắn bám được vào chiếc phao.

Mặt biển trồi lên, đổ xuống liên tục như muốn nhấn chìm tất cả, ông Hựng bập bềnh trên sóng dữ, cố hết sức để sinh tồn. Lúc tưởng hết hy vọng, phó mặc cho gió bão, ông chui được vào một gian bếp trên chiếc bè nhỏ còn đủ sức chịu được sóng gió. Chiếc bè trôi dạt 5 hải lý trước khi mắc vào Eo Gió ở TP Cẩm Phả. Ông được cứu sống sau 20 tiếng lênh đênh trên biển.

"Quyết định không vào bờ là sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi", ông Hựng đúc kết.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, đây là cơn bão mạnh nhất về tốc độ gió ở Việt Nam.

"Nó là một trận cuồng phong, chứ không gọi là cơn bão nữa", ông Hiệp nói. Khi vào Biển Đông, Yagi chỉ mất 48 tiếng để đạt đến mức siêu bão. Không chỉ mạnh, bão còn di chuyển rất chậm, hoành hành tại Hải Phòng và Quảng Ninh suốt 5 tiếng, làm gia tăng sức tàn phá.

"Chúng tôi ở Quảng Ninh và Hải Phòng cứ nghĩ là bão tan rồi, nhưng nó vẫn tiếp tục", ông kể.

Trong 30 năm qua, Yagi là cơn bão đầu tiên đổ bộ Việt Nam với sức gió cấp 14, trước đó bão cấp 12 là mức mạnh nhất Việt Nam từng đối mặt.

So sánh Yagi với các cơn bão trong 30 năm qua

Sau 15 tiếng, cơn bão đi qua. Các tỉnh thành miền Bắc hứng chịu mưa 300-500 mm chỉ trong 3-5 ngày. Đặc biệt, khu vực miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, mưa tới 400-600 mm, một số nơi trên 700 mm - tương đương cả tháng. Các ngọn đồi, sườn núi và dòng sông vốn đã "no nước" sau nhiều đợt mưa từ tháng 8, nhanh chóng bị quá tải.

Đất lở, sông dâng, gây ra hàng loạt thảm họa liên tiếp khắp miền Bắc.

Ngọn núi vỡ

5h30 sáng 10/9, chị Hoàng Thị Cảnh thức giấc khi nghe tiếng "lục cục" trên đồi. Trời vẫn tối, núi đồi mù mịt trong mưa. Đây đã là ngày thứ hai mưa trút xuống không dừng. Chị gọi chồng cùng hai con trai dậy, ngược dốc lên suối "xem lũ".

Nhà chị Cảnh là căn đầu tiên từ hướng núi Voi - ngọn cao nhất 1.033 m trong dãy núi trải dài từ Yên Bái sang Lào Cai. Dãy núi tạo thành vành đai với cánh rừng nguyên sinh rộng một nghìn hecta. Nước từ hàng trăm khe trên núi Voi hợp thành con suối chảy vắt qua làng, cấp nước cho cánh đồng và những đồi ngô chạy dài dọc thung lũng. Nơi đây có 760 nhân khẩu, hầu hết là dân tộc Tày sinh sống lâu đời.

Giữa đường, chồng chị Cảnh quay về, bảo rằng mưa lớn, nước suối to là bình thường. Nhưng chị không yên dạ, rủ hai con trai đi tiếp. Khi tới ven suối, họ thấy nước dâng cao, réo ầm ầm, lòng suối mở rộng trong khi ngày thường chỉ độ hai mét. Đá lục cục từ sườn cao lăn xuống. Họ định quay về.

Bỗng dưng, một tiếng "ùng" vang lên. Mặt đất rung chuyển. Đất đá, bùn nước, cây cối bắn lên trời như pháo rồi ụp xuống mấy ngôi nhà. Chị Cảnh bị hất văng, rơi xuống dòng lũ bùn. Có thứ gì như cành cây đập vào lưng, đau điếng, chị choàng tỉnh, bị lũ đánh dạt lên gần vệ đường. Chị vùng vẫy trong bùn đặc tìm cách thoát thân. Hai cậu con trai thoát được lên trước, mặt tím tái tìm gọi mẹ.

Cơn lũ đầu tiên chỉ dừng được dăm phút, một tiếng "ùng" nữa lại vang lên rồi chụp xuống những nóc nhà còn lại. Chị Cảnh và hai con cắm đầu chạy dọc sườn núi. Thấy đứa cháu gái lớp 9 bị cành cây đâm xuyên bụng, chị cõng nó vừa bò vừa chạy. Người chị mềm nhũn nhưng không dám dừng lại, sợ một trận lũ nữa dội xuống. Ngoái lại phía sau, chị không thấy chồng, cũng không thấy nhà.

Thôn làng đã biến mất.

Làng Nủ trước và sau trận lũ quét

Thảm kịch trong đêm

Phía bên kia dòng suối, người Làng Nủ ở những sườn đồi khác lao ra khỏi nhà, la hét.

"Làng ơi, đồi sập xuống rồi. Làng trôi rồi. Chạy mau".

Trong cơn mưa, những tiếng hét không thể vọng tới bên kia đồi. Tờ mờ sáng ấy, nhiều người còn chưa tỉnh giấc. Những đứa trẻ đã soạn sẵn sách vở từ đêm hôm trước, chờ đến trường. Trâu vẫn buộc sau chái nhà, chưa kịp mở thừng cho lên đồi ăn cỏ.

Dòng lũ bùn đá "như con rắn" trườn dọc suối Vằng Kheo xuống thung lũng, cuốn phăng mọi thứ trên đường. Những mái tôn xanh đỏ, gia súc và cả con người cuồn cuộn trôi đi. Một cụm dân cư biến mất chỉ sau “hai cơn nổ ầm trời và một cơn ngắn hơn". Ngôi làng dưới chân núi Voi tan tành, ly tán.

Gần một phần mười dân số Làng Nủ nằm dưới lớp bùn đá: 33 hộ bị vùi lấp, 54 người chết, 13 người mất tích, 14 người bị thương. Tổng số chết và mất tích cao hơn bất kỳ thống kê nào về lũ quét từng xảy ra trong 20 năm qua.

Chị Hoàng Thị Cảnh, thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Ảnh: Hoàng Phương

Ngày núi vỡ, làng bị cô lập, mất điện, mất liên lạc với bên ngoài. 14h, huyện mới tiếp cận được hiện trường.

Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo viết vội bức điện khẩn trên giấy vở học sinh, giao cho cán bộ băng rừng về TP Lào Cai cấp báo "đề nghị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp".

Sở chỉ huy cứu hộ cứu nạn được lập vội tại Nhà văn hoá thôn. Trên tấm bản đồ giữa căn phòng, Làng Nủ giờ thành một vết xước dài, như bị ai cấu toạc một mảng giữa rừng xanh, loang lổ, tứa máu.

"Vết xước" dài 1,3 cây số, rộng 24 hecta với khoảng 1,5 triệu mét khối đất bùn đã xóa sổ một phần thôn bản. Dọc đường lũ đi, thân núi bị cạo nhẵn, đỏ quạnh. Lòng suối mở rộng nhất đến 300 m.

Trận lũ quét xảy ra tại Làng Nủ, sáng 10/9. Nguồn: Sầm Nhuận

Hơn 650 người từ các lực lượng cứu hộ vào làng, lật tung từng đoạn suối, tìm kiếm từng nạn nhân dưới lớp bùn đặc quánh. Những thi thể đã nhận diện được đặt trên tấm bạt lót bên đường.

Anh Hoàng Văn Thới gục đầu cạnh hai cỗ ván tạm cho hai đứa con nhỏ, người lớn nằm cạnh, quấn trong manh chiếu. Không đủ áo quan cho người xấu số, Thới phải chờ.

Nhà Thới vốn ở bên kia suối. Đêm trước thấy mưa lớn, sợ quả đồi sau nhà lở, anh đưa vợ con sang nhà em họ ở thung lũng này lánh tạm. Anh đã tin đây là chỗ an toàn nhất làng bởi "chưa bao giờ ngập". Rạng sáng, nghe tiếng nổ, anh băng qua những điểm sạt, gào thét gọi vợ con, hơn 30 nóc nhà đã không còn.

Chỉ sau một buổi sáng, Thới mồ côi mẹ, mất cả vợ, ba đứa con, cùng nhiều họ hàng. Hai con trâu với nương sắn là tài sản quý giá của gia đình cũng bị cuốn trôi trong dòng nước lũ.

Cạnh đó, chị Lục Thị Xim chân trần dính đầy bùn đất, ngồi bên vệ đường - nơi những chiếc cáng đi qua, chờ tin mẹ. Bố chị đã được tìm thấy và đưa về xuôi mai táng.

Sáng hôm ấy, sau hai ngày không liên lạc được với bố mẹ, vợ chồng Xim nóng ruột, băng đồi từ xã Lương Sơn tìm về Làng Nủ. Khi đến đầu thôn, người làng trông thấy chị, khóc:

"Mày về rồi đấy à. Bố mẹ chắc chết hết rồi, làng trôi rồi".

Xim chạy bộ về nhà, lòng hy vọng "nhà ở mép đường, chắc lũ không quét đến đâu. Bố mẹ nghe tiếng nổ, sẽ chạy lên đồi". Nhưng trước mắt Xim là sông bùn quánh nhão, phẳng lì, không còn dấu vết nào của ngôi nhà nơi chị từng lớn lên.

Anh em không ở gần, bố mẹ Xim sống giữa làng, nương nhờ vào bà con. Hai ngày trước tai họa, chị còn gọi điện dặn mẹ đừng lên đồi chăn trâu vì biết mưa lớn. Chị biết tính mẹ mình, "lúc nào cũng khổ hơn người ta", mưa hay nắng, bà vẫn sẽ lên đồi sớm.

"Nếu hôm ấy mẹ đừng nghe mình, cứ đi lên đồi chăn trâu thì mẹ đã được sống", Xim bật khóc.

Lục Thị Xim ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai, chỉ tay về ngôi nhà đã bị cuốn trôi trong bản đồ chụp lại sau trận lũ ngày 12/9. Ảnh: Ngọc Thành

Cơn lũ sau 16 năm

Những đám tang ở Làng Nủ không kèn trống, không đủ người khiêng quan tài, cũng không đủ người đào huyệt. Mộ phần không dấp rào, chỉ có cành cọ che đầu, theo tục lệ của người Tày. Ba chồng áo quan xếp cạnh nhau đặt ở Nhà văn hoá, nơi vốn tổ chức những nghi lễ quan trọng của làng. Trong cơn mưa nặng hạt, những cỗ quan tài được chở bằng xe máy dần ngược dốc lên đồi lúc trời sẩm tối.

Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp đôi mắt đỏ ngầu, ghi tên những người đã mai táng gần kín hai trang vở học sinh. Ông đã nhiều ngày cùng lực lượng chức năng "vẽ" lại sơ đồ làng, đánh dấu vị trí từng hộ, số nhân khẩu để phục vụ tìm kiếm.

"Vị trí bị lũ quét không nằm trong danh sách thông báo di dời vì nơi này vốn bằng phẳng, nhà xây to cao đàng hoàng. Nhưng cuối cùng, chỗ mà mình không nghĩ đến lại là nơi ảnh hưởng nặng nhất", ông Diệp nói. Chính ông cũng mất hai người họ hàng. Nhà nứt, ông cùng mấy anh em phải trú nhờ điểm trường mầm non.

Người Làng Nủ cũng chung suy nghĩ với trưởng thôn. Họ vẫn nhớ rõ trận lũ lịch sử ngày 8/8/2008, sau cơn bão Kammuri. Năm đó, số người chết và mất tích tại Lào Cai chiếm gần hai phần ba thiệt hại của cả miền núi phía Bắc. Dù lũ từ núi Voi ập về, cuốn trôi hai bên bờ suối, mất trắng hoa màu, nhưng Làng Nủ không mất người. Từ đó, ngày 8/8 âm lịch hàng năm trở thành ngày "được sống lại" của làng, là dịp để người dân làm "mâm cơm cúng tạ ơn tổ tiên đã che chở".

Sau trận lũ ấy, khu vực này được coi là nơi lý tưởng để người dân đến tránh trú. 16 năm sau, lịch sử lặp lại, nhưng chỉ toàn nước mắt đau thương. "Hôm ấy (10/9) cũng mùng 8 tháng 8 âm lịch", trưởng thôn Diệp nói.

Bí thư chi bộ kiêm thành viên tổ an ninh cơ sở Hoàng Thị Quyến đêm 9/9 đi vận động những hộ có nguy cơ sạt lở đến nhà mình trú tạm khi mưa suốt hai ngày không dứt. Giờ bà cũng nằm trong danh sách 13 người mất tích đến nay chưa tìm thấy.

"Trăm năm nay, chưa bao giờ tỉnh Lào Cai ghi nhận số người chết lớn đến như vậy", Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường lạc giọng, nói với báo chí.

Đây không phải nơi duy nhất hứng chịu thiên tai sau Yagi. 80% số người chết và mất tích trên cả nước thuộc ba tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, và Yên Bái - những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ quét và sạt lở. Riêng Lào Cai chiếm tới 45% tổng thiệt hại.

Khu vực này vốn có nguy cơ sạt lở cao do địa hình dốc và nằm trên các đứt gãy địa chất đã tồn tại hàng chục triệu năm. Khi lượng mưa lên tới 500 mm trong thời gian ngắn, các đồi núi trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

6 ngày sau lũ quét tại Làng Nủ, trên đồi sim cách đó ba cây số, máy ủi đã vào vị trí san lấp mặt bằng. Kế hoạch tái thiết làng mới bắt đầu hôm 21/9 với mục tiêu hoàn thành trước 31/12 theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

40 ngôi nhà sẽ được xây dựng cho các hộ dân bị vùi lấp hoặc đang sống trong khu vực không an toàn. Hôm được hỏi ý kiến, toàn bộ dân làng đều đồng thuận, chỉ có một yêu cầu: "Tránh núi cao, không ở ven suối".

Anh Hoàng Văn Thới hiện vẫn ở nhờ người thân, không dám về nhà. Trên bức vách tường nhà anh vẫn treo hình cưới của vợ chồng, ảnh con gái tốt nghiệp mầm non, cùng giấy khen, chứng nhận Cháu ngoan Bác Hồ. Con bé mới khai giảng một tuần. Bộ sách giáo khoa lớp Một vẫn còn thơm mùi giấy mới. Nhà hảo tâm đến tặng quà, Thới không nhận, lặng lẽ giải thích: "Con không còn, lấy về cho ai?".

12 ngày sau trận lũ quét, đứa con cuối cùng của anh được tìm thấy. "Thằng cu út" đã được "về nhà", yên nghỉ bên mẹ và các chị, như ước nguyện của người cha.

Bộ đội dầm mình trong bùn nhão tìm kiếm thi thể nạn nhân Làng Nủ, Lào Cai, ngày 12/9. Ảnh: Ngọc Thành

Cứu đập

Tối 8/9, một ngày sau khi bão Yagi quét qua miền Bắc, hồ thủy điện Thác Bà vẫn yên bình. Mực nước vẫn thấp hơn mức trung bình khoảng 0,5 m. Hai cửa xả mặt đã được mở trước để đón lũ, giúp lượng nước xả ra gấp đôi so với nước về hồ. Dòng sông Chảy thanh bình như suốt 53 năm kể từ khi công trình thủy điện này được xây dựng.

Tuy nhiên, lúc 23h, tình hình chuyển biến căng thẳng. Dòng lũ tăng nhanh từ 500 lên 1.310 m³/s.

"Hai tiếng tiếp theo, lũ tăng chóng mặt", ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà, kể lại. "Trong 38 năm làm việc tại đây, tôi chưa từng chứng kiến điều gì như vậy".

Dự lệnh phá đập Thác Bà

Chỉ số lũ trên màn hình theo dõi "tăng nhanh như đồng hồ đếm giây". Đến 1h sáng, lưu lượng lũ đã đạt 4.305 m³/s, vượt qua ngưỡng thiết kế tối đa là 3.000 m³/s và khả năng xả lũ của hồ là 3.200 m³/s.

Tình hình nguy cấp, ông Quyền lập tức báo cáo Cục trưởng Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, xin phép mở cửa xả mặt thứ ba nhằm giảm mực nước trong hồ.

Được chấp thuận mở cửa xả lúc 6h, ngay trong đêm, hai xe gắn loa phóng thanh chạy dọc bờ sông hạ du thông báo người dân di tản. Trời vừa hửng sáng, ba cửa xả của Thác Bà đồng loạt mở, nhưng cũng chỉ đạt công suất 2.600 m3/s - ít hơn lượng về hồ hơn 400 m3/s. Mực nước hồ vẫn tăng 3 cm mỗi giờ.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn trong ngày 9/9 khi mưa vẫn trút xuống thượng lưu sông Chảy.

2h sáng 10/9, lưu lượng nước lũ đã tăng tới gần 5.000 m³/s, bước vào cảnh báo cấp một.

9h, lũ sông Thao lên tới hơn 87 m, vượt kỷ lục tồn tại 53 năm. Lượng nước về hồ đạt cực đại 5.620 m3/s - gấp đôi mức thiết kế ban đầu. Hồ chuẩn bị lên mức báo động hai khi đạt 59,65 m.

"Lượng nước về hồ lúc này đã vượt đỉnh lũ thiết kế khi xây dựng năm 1971 của công trình với tần suất 10.000 năm mới có một lần", ông Quyền kể. "Lúc này, thủy điện rơi vào tình cảnh nguy nan chưa từng có. Nếu nước tiếp tục đổ về với lưu lượng như thế, chỉ 12 tiếng sẽ lên mức 61 m, đập chính có thể vỡ, gây ra thảm họa cho hạ lưu".

10h sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tức tốc từ Hà Nội lên Thác Bà. Sau khi cân nhắc nhiều phương án, lựa chọn cuối cùng là phá đập phụ số 4 tại huyện Yên Bình để cứu đập chính.

Bộ NNPTNT họp bàn phương án phá một đập phụ với công ty và chính quyền địa phương. Ảnh: Công ty thuỷ điện Thác Bà

Trong lúc Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp xin ý kiến Thủ tướng, huyện Yên Bình chủ động sơ tán hơn 3.000 hộ dân, hoàn thành trước 10h ngày 11/9.

"Thủy điện Thác Bà ngàn cân treo sợi tóc", Thứ trưởng Hiệp kể. "Nếu đập chính vỡ, 3 tỷ m3 nước từ hồ Thác Bà sẽ tràn xuống sông Chảy, ra sông Lô, mực nước tại Yên Bái tăng thêm ít nhất 3 m. Như vậy thì tàn phá rất khủng khiếp".

Thủ tướng ngay lập tức họp với các tỉnh liên quan, chỉ đạo di dời hơn 10.000 dân trong 4 tiếng. Các địa phương xung quanh được lệnh giảm bớt lượng nước xả trên các hồ. Đập số 4 sẽ phá nếu mức nước hồ tăng lên 61 m trong chiều 11/9.

"Công tác chuẩn bị đã được UBND tỉnh phối hợp với Quân khu 2 và Sư đoàn 316 thực hiện theo kế hoạch. Đập số 4 được bảo vệ nghiêm ngặt", ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Công ty Thủy điện Thác Bà thuật lại.

Cuộc họp giữa UBND huyện Yên Bình (Yên Bái), Công ty Thuỷ điện Thác Bà và các xã, thị trấn về quyết định di dân hạ du trước phương án phá đập, đêm 10/9. Nguồn: Công ty Thuỷ điện Thác Bà

May mắn, 5h sáng 11/9, lưu lượng nước về hồ đã giảm xuống còn 3.570 m³/s.

"Nhìn nước về hồ giảm, tôi và hàng trăm con người ba đêm thức trắng ở thủy điện Thác Bà thở phào. Có lẽ ông trời thương nên dự lệnh phá đập phụ đã không trở thành động lệnh", Giám đốc Công ty Thủy điện xúc động nói.

Dù tình hình tại Thác Bà và các đập thủy điện còn lại được kiểm soát, lượng mưa như trút từ hoàn lưu bão Yagi cùng nước lũ đổ về từ thượng nguồn vẫn khiến hạ du chìm trong đợt ngập lụt chưa từng thấy trong hơn 5 thập kỷ.

Hạ du ngập lịch sử 53 năm

Một tuần sau bão, toàn miền Bắc căng mình chống chọi với thiên tai bủa vây. Trong khi thượng nguồn các sông hứng chịu lũ quét, sạt lở và nỗi lo vỡ đập, ngập lụt lan rộng khắp các tỉnh hạ nguồn.

Hoàn lưu bão gây mưa lớn ở các tỉnh miền Bắc, cảnh báo nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở lan rộng từ 7/9

6/9 7/9 8/9 9/9 10/9 11/9 12/9 13/9

Nguồn: Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia

Là trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, Thủ đô Hà Nội nằm ở hạ nguồn của lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Những ngày sau bão, lượng mưa lớn khiến mực nước thượng nguồn tất cả sông đều lên ngưỡng báo động ba, mức cao nhất trong thang báo động lũ. Thuỷ điện Thác Bà và Tuyên Quang - 2 trong 4 hồ chứa lớn nhất sông Hồng - phải mở toàn bộ cửa xả.

17h ngày 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn dưới báo động ba 28 cm. Những bãi hoa màu trù phú ven sông bị ngâm trong dòng nước đục phù sa. Nước tràn vào nhiều khu dân cư gần chân cầu Long Biên, ngập đến nửa mét.

Anh Tiến, chủ một vườn đào Nhật Tân, nhìn xuống vườn nhà từ trên cầu, chỉ còn thấy màu nước nâu bùn phủ khắp. "Vườn đào cả gia đình dày công chăm sóc suốt 8 năm coi như bỏ", anh nói.

Mãi đến chiều 13/9, lũ mới bắt đầu rút. Những cây đào dần lộ trên mặt nước, trơ trụi, chỉ còn thân cây, lá đã nhuộm bùn, khô dần dưới nắng. Không đi ủng, cũng chẳng buồn xắn quần, anh Tiến lội chân trần vào vườn đào nhầy nhụa bùn non.

Một tuần sau bão Yagi, làng đào Nhật Tân ven sông Hồng, dưới chân cầu Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) trở nên xơ xác. Những gốc đào chuẩn bị cho Tết Nguyên đán bị nước lũ nhấn chìm sâu 3-4 m. Ảnh: Ngọc Thành

Một tuần sau cơn lũ lịch sử, anh Tiến vẫn cố cứu những gốc đào còn hy vọng sống. Ở mép vườn, hàng tấn lục bình từ sông tấp vào, phủ kín thân đào, có đoạn cao quá đầu người. Cả nhà hì hục kéo từng mẻ lục bình ra mép nước, đẩy ra sông. Cả tiếng đồng hồ, không ai nói với nhau lời nào.

"Ở làng này, nhà nhiều thì hàng nghìn gốc, nhà ít cũng vài trăm, thiệt hại đâu riêng nhà mình", anh Tiến rít một hơi thuốc lào, nói lúc nghỉ ngơi. Việc dọn dẹp, chặt cành, đốt gốc, làm lại đất sẽ mất cả tháng, tốn hàng trăm triệu đồng. Mỗi cành đào huyền thân to bằng cổ tay có thể bán được 2-3 triệu đồng nếu hoa nở đúng dịp Tết, nhưng giờ tất cả đã tan tác.

Anh Nguyễn Văn Tiến, 35 tuổi, thôn Bắc, cụm 4, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) trước khu vườn gần một ha trồng 1.000 cây đào bị chết do lũ, tháng 9/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Cơn lũ lịch sử đã biến cả cánh đồng dưới chân cầu Nhật Tân thành bãi hoang. Trong ký ức của người Hà Nội, trận lũ năm nay gợi lại trận lụt lịch sử năm 1971. Nhưng khác trước, giờ đây diện tích trồng đào ở Nhật Tân đã lên đến 78 ha, phần nửa tan hoang sau lũ.

Cạnh làng đào Nhật Tân, 70% diện tích trồng quất của người dân làng Tứ Liên (quận Tây Hồ) cũng bị hư hại. Toàn Hà Nội có trên 11.600 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại nhiều nhất các tỉnh phía Bắc, theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai.

Không riêng Hà Nội, miền Bắc ngập lụt ở quy mô chưa từng thấy. Các khu vực thấp trũng cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ đều chìm trong biển nước. Ít nhất 20 trên 25 tỉnh, thành Bắc Bộ ghi nhận tình trạng ngập lụt cục bộ hoặc diện rộng. Thiệt hại lúa, hoa màu lớn nhất 20 năm qua.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trận lũ lần này lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ qua tại lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình. Ông đánh giá, các địa phương chưa bảo vệ được không gian thoát lũ trên sông khiến nhiều nơi ngập kéo dài. Công tác tuần tra, canh gác đê tại một số địa phương cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến 751 sự cố.

Theo ông, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình còn bất cập, dẫn đến việc cắt lũ không đáp ứng yêu cầu. Tình huống khẩn cấp ở hồ Thác Bà cho thấy quy định hiện nay về thẩm quyền và quy trình xử lý trong tình huống khẩn cấp còn thiếu cụ thể, gây lúng túng trong ứng phó.

"Đây là bài học đắt giá cho các địa phương", ông nói.

Thành phố Thái Nguyên chìm trong nước lũ, ngày 10/9. Ảnh: Đại Phong

Vực dậy sau bão

Nhìn lại hai tuần sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Cao Tường Huy đánh giá, Yagi đã gây ra thảm họa chưa từng có tại địa phương.

"Sau hôm bão, Quảng Ninh như trở về thời kỳ cách đây 50 năm. Trồng rừng, thủy sản, du lịch đều mất trắng", ông Huy trầm giọng nói.

Trước bão, tỉnh đã bám sát các chỉ đạo, dự báo, nhưng sức tàn phá của Yagi "vượt quá sức chịu đựng" của cơ sở hạ tầng. Các công trình và khu neo đậu tàu thuyền được thiết kế chỉ có khả năng chống chịu bão cấp 12, trong khi Yagi đổ bộ với sức gió cấp 14.

"Trước thiệt hại về nhân mạng, nhiều người hỏi tại sao không bắt buộc tất cả thuyền viên lên bờ để tránh bão. Chúng tôi muốn lắm, nhưng theo Luật Hàng hải Việt Nam, thuyền viên phải ở lại trên tàu để ứng cứu khi bão đến", ông Huy giải thích. "Tuy nhiên, cơn bão quá thảm khốc, neo tàu bị giật tung hết, tàu thuyền trôi dạt khắp nơi".

Sau bão, 99% người dân Quảng Ninh mất điện, mất nước, và 100% mất liên lạc. Huyện Bình Liêu là nơi đầu tiên mất kết nối. Bí thư huyện phải mượn máy chuyên dụng của quân đội để báo cáo về tỉnh. Các bệnh viện gặp khó khăn do thiệt hại cơ sở vật chất và thiếu nước cứu chữa bệnh nhân.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Yagi là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền Việt Nam. Hoàn lưu bão gây ra lượng mưa lớn trên diện rộng, dẫn đến lũ lụt tương đương với trận lũ lịch sử năm 1971 ở đồng bằng sông Hồng. Địa hình dốc, không có chỗ phân thủy đã khiến toàn bộ nước mưa đổ dồn xuống sông suối, gây ra lũ quét và sạt lở đất không thể lường trước.

Trước cơn bão lịch sử, lần đầu tiên Bộ Chính trị chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc ngay trong bão, thay vì sau bão như những năm trước. Hơn 450.000 bộ đội, công an đã được huy động, giúp di dời 150.000 người dân trên đất liền và hơn 50.000 người dân ven biển - quy mô di dời chưa từng có.

"Nhiều quyết định chưa có tiền lệ đã được đưa ra trong quá trình phòng chống bão Yagi. Chúng ta đã nỗ lực nhưng thiệt hại vẫn rất lớn. Nhưng tôi phải nói thêm rằng nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, không biết chuyện gì có thể xảy ra", Thứ trưởng Hiệp nói.

Thống kê các cơn bão trong 30 năm qua, Yagi gây thiệt hại về người đứng thứ ba, chỉ sau Linda (1997) và Frankie (1996). Về kinh tế, Yagi là cơn bão gây thiệt hại lớn nhất. Đến ngày 21/9, thiệt hại kinh tế ước tính 61.000 tỷ đồng - tương đương 65% tổng mức đầu tư của tuyến đường vành đai 4 đi qua Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Yagi và hoàn lưu sau bão đã ảnh hưởng đến 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa, chiếm trên 41% GDP cả nước. Dự báo, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương sẽ chậm lại. Quý 3 có thể giảm 0,35% so với kịch bản không có bão Yagi.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thời gian tới diễn biến thời tiết sẽ rất khó lường. Từ đầu năm, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã dự báo giai đoạn thời tiết chuyển từ El Nino sang La Nina vào cuối hè (tháng 8) sẽ có những diễn biến bất thường, ngoài quy luật, do chưa có sự ổn định của hệ thống hoàn lưu quy mô lớn. Các hệ thống quy mô nhỏ hơn sẽ tác động đến thời tiết nhanh hơn nên rất khó dự báo.

"Trong bối cảnh đó, công tác dự báo đóng vai trò rất quan trọng nhưng không phải là tất cả", ông Khiêm nói. Để giảm thiểu rủi ro thiên tai, ông cho rằng quy trình dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng và chỉ đạo phòng chống thiên tai của chính quyền các cấp cần gắn kết hơn.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai, cho rằng một trong những bài học lớn nhất từ bão Yagi là việc vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt tại khu vực miền núi dễ bị chia cắt.

Ông dẫn chứng trong cơn bão vừa qua, nhờ sự chủ động của một số nơi, thiệt hại về người đã được giảm đáng kể. Như trưởng thôn Ma Seo Chứ ở tỉnh Lào Cai kịp thời phát hiện nguy cơ sạt lở và vận động 115 người dân sơ tán an toàn. Hay 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát, Lào Cai, cùng nhau sơ tán trước khi cả quả đồi sạt xuống.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh giải pháp lâu dài để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt là phải nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo. Ông cho rằng cần tập trung cải thiện chất lượng dự báo lượng mưa; đồng thời lập bản đồ cảnh báo chi tiết đến từng thôn, bản. Bên cạnh đó, để kiểm soát ngập, các bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình như thời gian mùa lũ, tích nước sớm và quy định trong tình huống khẩn cấp, cần được khẩn trương sửa đổi.

Hơn hai tuần sau bão, công việc tìm kiếm nạn nhân mất tích trên biển Quảng Ninh - nơi bão Yagi đổ bộ đầu tiên - vẫn chưa kết thúc.

"Ngày đầu sau bão, chúng tôi ghi nhận ba người chết do tôn bay vào. Tưởng chỉ có thế, nhưng khi tìm kiếm cứu nạn, số người mất trên biển quá nhiều, đến nay vẫn chưa kết thúc, lo rằng con số còn tăng", ông Cao Tường Huy chia sẻ.

Trong năm tiếng hoành hành, Yagi đã cướp đi 29 mạng người và gây thiệt hại kinh tế cho Quảng Ninh tương đương nửa tổng thu ngân sách của tỉnh - 24.200 tỷ đồng.

Vùng đất mỏ đang dần hồi sinh sau thảm họa. Những ngôi nhà, khu công nghiệp bị tốc mái đang được khôi phục. 97% người dân đã có điện và 100% có sóng điện thoại. Hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương đã được cơ cấu lại để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

"Chúng tôi quyết tâm xây dựng lại sau bão, khắc phục điểm yếu và phục hồi sản xuất. Biển bão lấy của ta một, ta sẽ làm lại gấp hai, ba lần từ biển", ông Huy nói.

Hạ Long, Quảng Ninh, tan hoang sau bão Yagi. Ảnh: Giang Huy

Nội dung: Gia Chính - Hồng Chiêu - Nguyễn Đông - Lê Tân - Phan Dương

Dữ liệu: Quang Tuệ - Đăng Nguyên - Việt Đức

Đồ hoạ: Khánh Hoàng - Thanh Hạ