Số liệu này được Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trong báo cáo "Hiện trạng môi trường quốc gia 2023". Theo đó, việc xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật chưa đảm bảo yêu cầu, chưa được đầu tư đầy đủ về hạ tầng.
Lượng nilon, bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong trồng trọt là gần 624.000 tấn năm 2023. Tính trên mỗi ha, nông dân thải ra môi trường 1-1,5kg bao bì bảo vệ thực vật với trồng lúa, còn hoa màu và cây công nghiệp thải gấp 2-3 lần số trên, theo Viện Môi trường nông nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ 40% bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom và xử lý. Trong đó, gần 18% đem đốt, còn lại được xử lý như chất thải thông thường. Dù bao bì này thuộc nhóm chất thải nguy hại, nông dân thường vứt ngay tại bờ ruộng, góc vườn, có trường hợp còn vứt xuống ao, hồ, đầu nguồn nước sinh hoạt.
Về giải pháp thu gom và xử lý, cách đây 9 năm, liên bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quy định tối thiểu 3 ha trồng cây lâu năm phải có một bể thu gom để xử lý loại chất thải nguy hại. Tuy nhiên, hiện có 42 tỉnh, thành phố bố trí gần 58.000 bể thu gom, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Tại Hòa Bình, khoảng 370 tấn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng mỗi năm, nhưng chỉ 15% bao bì được thu gom vào bể chứa. Trên 20 tấn bao bì bỏ trên đồng ruộng, lẫn trong đất, nguồn nước. Với bao bì trong bể chứa, hiện chưa địa phương nào có kế hoạch hay bố trí kinh phí để tiêu hủy.
Ở Thừa Thiên Huế, mỗi năm khoảng 17-20 tấn bao bì hóa chất các loại được nông dân tại đây thải ra môi trường. Khi ném xuống kênh, mương hoặc gặp mưa, lượng hóa chất bảo vệ thực vật còn sót lại trong bao bì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, đất nông thôn đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm. Tại các vùng chuyên canh rau, hoa (Hà Nội), chè Tân Cương (Thái Nguyên), cà phê (khu vực Tây Nguyên)... đất có xu thế bị chua hóa, nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng. Nghiêm trọng hơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong đất.
Bộ này cũng cho rằng tình trạng ô nhiễm đất do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật có thể tích lũy vào nông sản, thực phẩm, gây ngộ độc thực phẩm và những tác động lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Một nguy cơ khác được cảnh báo là ô nhiễm nhựa với 257.000 tấn màng phủ dùng trong nhà màng, màng lưới và nhựa trong hệ thống tưới tiêu thải ra môi trường mỗi năm.
Bộ này yêu cầu áp dụng các biện pháp, kỹ thuật canh tác nhằm giảm thiểu sử dụng loại hóa chất, đồng thời quản lý và giám sát các kho hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón.
Cơ quan quản lý khuyến nghị người dân tuân thủ quy định về thu gom và xử lý nhựa, bao bì nguy hại. Họ cũng đưa ra các giải pháp như tăng đầu tư hạ tầng thu gom cũng như nghiên cứu, áp dụng các biện pháp xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải, phụ phẩm nông nghiệp.
Thủy Trương