Hoạt động trồng cây tại Tiền Giang nằm trong chương trình "Lấm bẩn vì những màn chắn xanh Việt Nam" do nhãn hàng Omo thuộc Công ty TNHH Quốc tế Unilever phối hợp cùng chính quyền địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận triển khai. Chương trình chính thức khởi động vào ngày 16/8, mở đầu cho chuỗi hoạt động trồng rừng trong tháng 8 tại Tiền Giang, Thanh Hóa và Trà Vinh.
Chương trình hướng đến gia tăng diện tích rừng trên cả nước, tạo "màn chắn xanh" trên diện rộng, bảo vệ cộng đồng khỏi lũ lụt, lũ cuốn, sạt lở đất ở khu vực Thanh Hóa cũng như xâm nhập mặn tại Trà Vinh và Tiền Giang.
Cụ thể, trong ngày 16/8, Omo phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Tiền Giang triển khai dặm lại và trồng mới 10.000 cây phi lao tại khu vực ven biển Gò Công Đông, An Phú Đông. Chương trình sẽ triển khai trồng 10.000 cây đước tại xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, Trà Vinh. Việc trồng rừng sẽ góp phần chống xâm nhập mặn, giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra với đời sống cư dân trong vùng. Ngoài ra, rừng cũng bảo vệ đê biển, bảo vệ đất, giúp cho việc canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương thuận lợi hơn.
Tiếp đó, Omo hợp tác cùng Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia phủ xanh 10 ha rừng với 10.000 cây thân gỗ và cây có thể làm thức ăn cho động vật như lim xanh, vù hương, lát hoa... tại Vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hóa), chia thành hai đợt trồng vào ngày 18/8/2020 và 21/3/2021. Cánh rừng mới này sẽ góp phần bảo vệ, phục hồi và gia tăng sự phong phú cho hệ sinh thái 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, cải tạo đất, tạo nguồn thức ăn cho nhiều loài động vật hoang dã.
Việc trồng rừng còn giúp điều tiết và giữ nước hiệu quả, củng cố hoạt động sản xuất nông nghiệp, song song với vai trò phòng chống lũ lụt, lũ quét, sạt lở, bảo vệ cuộc sống sinh hoạt của người dân tại Thanh Hoá và Nghệ An.
Thông qua chương trình, Omo cũng giới thiệu thông điệp "Làm điều hay, ngại gì bẩn" (Dirt for Good) mà nhãn hàng này sẽ theo đuổi trong thời gian tới. Thông điệp khuyến khích cộng đồng cùng nhau lấm bẩn vì điều tốt đẹp để làm giàu trải nghiệm trong cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân thông qua học hỏi, khám phá, đồng thời tạo ra nhiều thay đổi ý nghĩa.
Theo đó từ ngày 20/8 đến hết ngày 5/9, với mỗi sản phẩm Omo mua tại hệ thống siêu thị Co.opmart, người tiêu dùng sẽ đóng góp 5.000 đồng vào chương trình "Lấm bẩn vì những màn chắn xanh Việt Nam" trực thuộc Quỹ "Vững vàng Việt Nam" của Công ty TNHH Quốc Tế Unilever, chung tay với Omo tạo ra những đổi thay thiết thực cho môi trường.
Trực tiếp tham gia trồng rừng cùng người dân và các em học sinh địa phương là vợ chồng ca sĩ Đông Nhi, Ông Cao Thắng, ca sĩ Phạm Quỳnh Anh, ca sĩ - diễn viên Jun Phạm, blogger Giang Ơi và Anh Bạn Thân, blogger du lịch Chan La Cà.
Ông Mai Ngọc Nhân - Quản lý thương hiệu Omo Việt Nam cho biết, bên cạnh cải tiến sản phẩm để mang đến những giải pháp giặt giũ ưu việt, thương hiệu này đồng thời hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề xã hội - môi trường thông qua các hoạt động vì cộng đồng. Khởi xướng chương trình "Lấm bẩn vì những màn chắn xanh Việt Nam", đơn vị không đơn thuần kêu gọi cộng đồng đóng góp gây quỹ mà kỳ vọng từng cá nhân trực tiếp hành động, tạo ra thay đổi thiết thực cho môi trường, bắt đầu bằng cách trồng cây tại nơi mình sinh sống.
"Từ những việc làm giản đơn như thế, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng màn chắn xanh kiên vững cho Việt Nam ở mọi cấp độ gia đình - cộng đồng - xã hội, bảo vệ tương lai xanh cho trải nghiệm của thế hệ trẻ và hơn hết là lan tỏa mạnh mẽ tinh thần lấm bẩn vì điều tốt đẹp đến mọi người", ông Mai Ngọc Nhân nói.
Bên cạnh chương trình trồng rừng, với mảng xanh đô thị, Omo cũng đã triển khai trồng 800 cây xanh tại quận Bình Thạnh và quận 12 (TP HCM), 50 cây ăn quả và cây tán rộng tại Hà Nội. Đối với "màn chắn xanh" cấp độ gia đình, thương hiệu này tổ chức cuộc thi "Vẽ vườn cây ước mơ của bé", hỗ trợ hiện thực hóa khu vườn trong mơ do chính trẻ thiết kế, đồng thời tặng bộ dụng cụ trồng cây khi mua sản phẩm giúp mỗi nhà ngày càng có thêm nhiều mảng xanh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2020, cả nước có 1.647,2 ha rừng bị thiệt hại, trong đó 404,1 ha rừng bị chặt, phá. Sự suy giảm diện tích rừng ảnh hưởng đến hệ sinh thái động thực vật đa dạng vốn có, khiến tình trạng lũ lụt, sạt lở, xâm nhập mặn gia tăng, tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Điển hình là thực trạng xâm nhập mặn kỷ lục ở Đồng bằng sông Cửu Long vào đầu năm nay.
Minh Anh