Họ mang theo bìa carton trải dưới nền đất, bày cơm cùng dùng bữa. Sau 30 phút, anh đeo tai nghe lướt mạng xã hội trong lúc các đồng nghiệp trải bạt ngả lưng, ngủ trưa.
Ba tuần nay, gầm cầu này trở thành cứu tinh của những công nhân như Thế Anh trong đợt nắng nóng cao điểm ở TP HCM.
Họ là nhân viên của dự án Metro cách đó 300 m. Trước kia các công nhân ăn uống, nghỉ trưa trong một căn phòng container cải tạo ở công trường. Công trình gần hoàn thiện, điện của khu vực bị ngắt, không thể sạc điện thoại, cắm quạt. Mỗi buổi trưa, luồng hơi nóng phả từ trên xuống, từ ngoài vào khiến chiếc container trở thành "lò nướng", buộc mọi người phải chạy trốn.
"Ở đây rộng rãi, giáp sông nên gió thổi rất mát trở thành nơi trốn nóng lý tưởng cho hai tiếng buổi trưa", Thế Anh nói.
Cầu Ba Son nối giữa quận 1 và TP Thủ Đức, có ba nhánh nên khu vực gầm cầu rộng, thoáng là nơi nghỉ ngơi của hàng chục người, chủ yếu là công nhân, người giao hàng, tài xế xe công nghệ, người bán vé số, ve chai đến tránh nóng. Trưa 10/4, nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C, một số người mang theo võng mắc vào lan can dọc bờ sông, bạt trải để ngả lưng.
Theo khảo sát của VnExpress, từ vài tuần nay lượng người đổ về các gầm cầu nằm trong thành phố như Ba Son (quận 1), Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) tăng vọt. Gần hai tháng qua các tỉnh Đông Nam Bộ trải qua đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Tại TP HCM, nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, độ ẩm thấp ở mức 30-40%. Thời tiết oi bức trong ngày kéo dài 12h đến 16h. Tuy nhiên thực tế bên ngoài nhiệt độ ghi nhận cao hơn mức dự báo từ 2 đến 4 độ.
Ông Lê Đình Quyết, trưởng phòng dự báo khí tượng Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ cho biết năm nay nắng nóng gay gắt đến sớm hơn trên diện rộng do ảnh hưởng của El Nino. Nhiều đài khí tượng thủy văn trên thế giới đều đưa ra dự báo nhiệt độ 4 tháng đầu năm nay sẽ cao hơn 0,7-1,5 độ C so với trung bình 10 năm trở lại đây.
Theo quy định, nhiệt độ không khí cao nhất ngày trên 37 độ C gọi là nắng nóng. Mức 37-39 độ C gọi là nắng nóng gay gắt và trên 39 độ C là đặc biệt gay gắt.
Ở đô thị lớn như TP HCM, mức độ nắng nóng sẽ có sự chênh lệch. Các khu vực trung tâm thường có nhiệt độ cao hơn bởi sự cộng hưởng nhiệt từ các tòa nhà bê tông, mái tôn, hơi nóng từ cơ sở sản xuất, nhà hàng, bếp ăn, đường nhựa, đường bê tông và phản chiếu từ tòa nhà gắn nhiều kính. Những nơi có nhiều cây xanh, gần sông, hồ thường nhiệt độ thấp hơn trở thành nơi trú ẩn cho người dân.
Khoảng hai tuần nay, anh Thanh Tùng, 37 tuổi, tài xế taxi công nghệ thường "tắt app" sớm hơn thường lệ để đến gầm cầu Thủ Thiêm, TP Thủ Đức tranh "chỗ đẹp" nghỉ trưa, tránh nóng.
"Ai đến sau không còn chỗ mắc võng sẽ phải đi khu vực khác", anh nói. "Khu vực trồng nhiều cây xanh nên rất mát mẻ, gần sông nên thoáng, thích hợp để tránh cái nóng oi ả".
Tùng có 6 người bạn đều là tài xế, quen biết nhau nhờ nghỉ trưa ở cùng khu vực gầm cầu. Họ hẹn nhau đặt cơm trưa, mang theo võng mắc ở các trụ đá để chợp mắt.
Anh nói đây là địa điểm lý tưởng bởi đỡ tốn kém hơn nhiều so với việc đến quán cà phê, mất khoảng 30.000 - 40.000 đồng mỗi lần. Hàng ngày, Tùng chạy xe ôtô kiếm được khoảng 250.000 đồng, anh tiết kiệm bằng cách mang theo bình nước đá giữ nhiệt, nghỉ trưa dưới gầm cầu.
Vợ chồng anh Văn Tùng, 35 tuổi, cũng có lý do tương tự. Trưa 10/4, vợ chồng anh đón hai con từ trường học ở quận Bình Thạnh rồi cả nhà cùng nhau ra gầm cầu Ba Son.
Họ là lao động buôn bán tự do, thuê nhà ở Bình Dương. Mỗi ngày, vợ Tùng thức dậy sớm nấu cơm, gói theo thức ăn buộc lên xe máy, vượt 30 km đưa con đến trường rồi tản đi làm. Khoảng 11h15, anh chở gia đình đến gầm cầu, trải áo mưa ra dùng bữa.
Tùng kể họ từng có tiệm bán hàng ở chợ Kim Biên, quận 5, nhưng đã đóng cửa do ế ẩm. Gần một năm rưỡi qua, kinh tế khó khăn, eo hẹp anh chọn nghỉ trưa ở gầm cầu Ba Son.
"Tiện và tiết kiệm", anh lý giải. "Ăn xong rồi dọn, mọi người ở đây cũng lịch sự, giữ yên tĩnh, sạch sẽ, an ninh nên không mất trộm gì cả". Khoảng 13h, những người nghỉ trưa ở khu vực này sẽ giải tán, tiếp tục làm việc.
Trong lúc đó, vợ Tùng vừa xới cơm cho con trai, cột tóc cho con gái rồi giục chúng ăn nhanh.
"Tranh thủ chợp mắt để chiều đến lớp không buồn ngủ", chị nói.
Ngọc Ngân