Tôi đi để xả stress sau mấy ngày Tết chứng kiến cảnh chồng mình hào hứng và bốc đồng với bia rượu từ nhà này sang nhà khác, nhưng khi ở nhà thì lè nhè, vật vờ. Về nhà, anh lờ đờ, mệt mỏi, nằm bẹp dí trên võng, không có giây phút nào tỉnh táo để chơi xuân đúng nghĩa.
Tết không phải lúc nào cũng vui. Với tôi, Tết bận bịu và hối hả đến phát mệt. Công việc cơ quan phải làm gấp, làm cố cho xong trước kỳ nghỉ, nhưng tôi lại còn phải lo cúng ông Táo, sắm sửa Tết và tìm qùa biếu sếp, hay các mối quan hệ trong công việc, họ hàng...
Có khi, tôi phải đi chúc Tết ở những nơi khá xa, vài ngày Tết mà di chuyển liên tục. Chưa kể còn phải lo lắng, chăm sóc con nhỏ, trong khi chúng nghỉ học mà cha mẹ vẫn đi làm. Có Tết, về quê miền Bắc trong cảnh đông đúc, chen chúc, đắt đỏ, góp phần làm giàu cho các hãng vận tải, khiến tôi không khỏi ngao ngán.
Tất niên rộn ràng từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ cơ quan đến khu phố, tổ dân cư. Bia rượu ngày xuân bén mùi từ giây phút ấy. Và chồng tôi là rơi vào những chuỗi say sưa.
Sau cái lần phải đi Hội An ba năm trước ấy, tôi thật sự sợ Tết. Mọi thứ đi quá sự chịu đựng của người phụ nữ vốn chỉ thích một cái Tết được dạo chơi, thong thả thưởng thức cái đẹp ngày xuân như tôi.
Gia đình tôi thường về đón Tết ở nhà ngoại, cách đó vài chục cây số. Mấy ngày Tết, hôm nào mẹ tôi cũng làm cơm cúng tổ tiên. Bà hì hụi trong bếp một mình từ tờ mờ sáng, bê lên, bê xuống, trong khi các con còn say giấc, bà lại đâm tủi thân. Tết mất hết vui.
Tôi sợ cảnh ê hề thịt cá hay bánh kẹo, nước ngọt, các loại mứt. Trong khi chúng vốn chẳng tốt cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều. Sau đó là màn rửa chén bát. Dù miền Nam nắng ráo, hay miền Bắc rét căm căm thì việc phải dành một khoảng thời gian không nhỏ chỉ để dọn dẹp "bãi chiến trường" sau mỗi lần ăn uống quả thật cũng quá sức chịu đựng.
>> Sợ Tết vì bị 'tra tấn' chuyện bao giờ mới đẻ?
Năm nào cũng vậy, dịp Tết, tai nạn giao thông lại tăng cao vì bia rượu, vì nhiều người đi ra đường chơi hơn.
Nhưng dù thế nào, thì Tết vẫn đến. Với tôi, Tết vẫn có những giá trị riêng của nó, và không khí rất đỗi thiêng liêng. Chỉ có cách đón Tết cần khác đi nếu cảm thấy mệt mỏi, ngao ngán. Hãy để Tết là một điều gì đó trong trẻo trong ký ức mọi người, là dịp trao truyền những giá trị tốt đẹp cho thế hệ mai sau.
Với con trẻ, hãy để niềm vui ngày Tết không phải là nhận bao lì xì, không phải là bánh kẹo, đồ ăn, nước ngọt nhiều như "nồi cơm Thạch Sanh". Dịp này, các con được vui chơi, học những giá trị tốt đẹp về truyền thống và rèn kỹ năng sống thay vì xem tivi, tranh thủ ôn bài là điều rất tuyệt vời.
Mấy năm trước, mẹ tôi không gói bánh, mà đặt người ta làm. Sự tiện lợi làm mất đi những cơ hội khám phá và trải nghiệm của con trẻ và những giây phút ấm áp bên nhau của mỗi thành viên trong gia đình. Gần đây, vì muốn con hiểu hơn về Tết, tôi nhờ mẹ khởi động lại việc tự gói để bé cùng tham gia. Con giúp rửa lá, gấp lá, canh nồi bánh bên bếp lửa bập bùng, thỏa niềm vui.
Tôi nghĩ dịp này, cha mẹ có thể cho con cùng đi chợ Tết, tính toán việc sắm, bày mâm ngũ quả, khuyến khích con tự mua đồ cúng ông táo, hoa quả, lặt lá mai, nấu ăn... Hướng dẫn con dọn dẹp nhà cửa, lau tủ, ghế, bàn, dọn bàn thờ tổ tiên... Đó là những kỹ năng tuyệt vời giúp cho con trưởng thành hơn, làm giàu vốn sống, tâm hồn, tình yêu thương, sự gắn kết với truyền thống và gia đình.
Giản tiện các thủ tục rườm rà trong việc cúng bái, lễ nghĩa dịp Tết, không quá nặng nề việc ăn uống, không say sưa bên bia rượu, tôi nghĩ, hòa khí ngày xuân sẽ được vun đắp thêm nhiều. Tết năm nào, nhà tôi cũng nhận được vài thùng bia do anh em, đồng nghiệp biếu. Ngày trước, tôi cũng mua vài thùng nước ngọt, bia, "xịn" hơn là rượu Tây đi biếu Tết.
Từ ngày có ông chú bị Gout, tôi thay đổi quan điểm. Thay vì bia này, rượu kia, tôi mua biếu chú cân hạt điều, ngày Tết ăn cho lành. Tôi thật tâm muốn gửi gắm thông điệp: "Chú đừng uống nhiều chất có men, chỉ tổ sinh bệnh tật". Ông chú tủm tỉm cười trước sự quan tâm của cháu gái. Tôi tin chú hiểu lòng tôi.
Tết thật ra không hẳn chỉ ở nhà với mâm cao cỗ đầy, ngồi bên nhau ba bữa, mới là đoàn viên. Đại gia đình cùng du xuân đâu đó cũng là cách gắn kết, sum vầy. Những chuyến đi, dù dài ngày hay ngắn ngày cũng sẽ làm giàu thêm vốn sống của trẻ thơ, người lớn cũng tươi vui, phấn khởi.
Gia đình một người bạn của tôi cho biết sẽ đi xuyên Việt dịp Tết này. Đồng hành cùng là những người bạn, giống như họ, đang "unschool" (gác lại chuyện học hành) cho con. Đây là cơ hội để cả nhà du lịch và cho con trải nghiệm cuộc sống. Những bài học địa lý sẽ trở nên tuyệt vời, sống động, thú vị hơn bao giờ hết so với những trang sách lý thuyết trong nhà trường.
Tết với tiếng cười, với niềm vui trọn vẹn, trong sự giản đơn nhưng ấm áp tình thân sẽ là những điều đẹp đẽ nhất trong lòng mỗi người. Sự ấm áp ấy không phải bên những ly rượu, chồng chén đĩa chất cao, bánh kẹo, đồ ăn, tiền lì xì, lễ nghi cúng bái, mà chính là những giây phút làm cùng nhau, trò chuyện cùng nhau, lắng nghe nhau, vui chơi cùng nhau. Hương vị Tết đến từ sự trở về, sự kết nối và sự có mặt thật sự của mỗi người trong mọi không gian và thời gian.
Hà Trang
>> Gia đình bạn ăn Tết thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.