Trộm cắp có lẽ đã trở thành vấn nạn nhức nhối đang xảy ra tại nước ta. Từ thành phố đến nông thôn, từ người giàu đến người nghèo đều bị trộm. Người người, nhà nhà bị mất trộm. Nhiều người nói ngoa: “Bây giờ một mét vuông mười thằng kẻ trộm”. Câu nói tưởng chừng như trào phúng đó lại khiến chúng ta cảm thấy chua xót.
Trộm cắp bây giờ cũng muôn hình vạn trạng, phổ biến nhất ở thành phố có lẽ là trộm xe máy, ở nông thôn thì có trộm chó, trộm gà. Dù giá trị vật chất khác nhau nhưng việc bị mất trộm khiến cũng khiến khổ chủ vô cùng ấm ức và khổ tâm. Và rồi chuyện gì đến cũng đến, tức nước vỡ bờ, ngày ngày, những vụ đánh hội đồng trộm chó, trộm gà liên tục diễn ra.
Vậy nguyên nhân gì khiến trộm cắp nhiều như vậy? Thứ nhất do giáo dục, giáo dục đây là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường, nhưng tôi nghĩ gia đình là nhân tố quan trọng.
Bạn sẽ không thể bắt đứa trẻ không ăn trộm khi để chúng thấy bạn cũng thường xuyên làm vậy. Dù chỉ là ăn cắp vặt, lớn lên, chúng sẽ trở thành một kẻ cắp chuyên nghiệp. Với những gia đình giáo dục con cái ăn cắp là một việc đáng xấu hổ, chắc chắn sau này, dù có đói khổ cỡ nào chúng vẫn không bao giờ ăn cắp. Ngược lại, với những người luôn tâm niệm “Bần cùng sinh đạo tặc”, họ đang dung dưỡng cho cái xấu, và chờ cơ hội bùng phát.
Việc thứ hai cũng không kém phần quan trọng là sự giáo dục của nhà trường. Ở trường học, những bài học đạo đức luôn được các thầy cô rao giảng, rằng ăn cắp là thói xấu, là không nên. Theo tôi cách giáo dục như vậy là đúng nhưng chưa đủ, cần phải chỉ rõ trên phương diện luật pháp, chẳng hạn ăn cắp thì sẽ chịu những hình phạt như thế nào, ăn cắp bao nhiêu sẽ phải đi tù. Chỉ khi nhìn thấy những chế tài đáng sợ thì trẻ em mới sợ mà bỏ hẳn ý nghĩ ăn cắp trong đầu.
Vậy, với những đứa trẻ không được đi học, không có nền tảng giáo dục từ gia đình thì phải làm như thế nào? Chắc chắn phải cho họ nhìn thấy hình phạt của việc ăn trộm. Ở một số nước, ăn cắp sẽ bị chặt tay, chặt chân trước sự chứng kiến của công chúng. Tất nhiên, đây là hình phạt man rợ và hà khắc, chúng ta không nên áp dụng, nhưng vẫn còn những biện pháp “nhẹ nhàng” hơn. Tại Singapore, người bị bắt vì tội ăn cắp sẽ bị đánh đòn tùy vào mức độ nặng nhẹ. Hình phạt này có tác dụng răn đe rất lớn, khiến người ta không bao giờ nghĩ đến việc trộm cắp.
Luật pháp nên có tính răn đe hơn là trừng phạt. Thay vì tăng nặng hình phạt, bỏ tù dài hạn, chúng ta nên tích cực tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi để mọi người biết mà tránh xa tội lỗi. Khi ra tòa, các nghi phạm thường nói vì không hiểu biết luật pháp nên mới gây tội. Thậm chí đến bây giờ nhiều người vẫn không biết ăn cắp vặt cũng phạm tội, chỉ đến khi bản án giáng xuống đầu họ mới tỉnh ngộ.
Ở quê tôi ngày xưa cũng nổi lên vấn nạn trộm gà, trộm vịt. Người dân vô cùng bức xúc nhưng không biết thủ phạm. Rồi một ngày, người đàn ông trong xóm bị bắt quả tang đang bắt trộm một con ngan. Cả làng thống nhất không đánh đập, nhưng dùng biện pháp răn đe.
Nghi phạm phải đeo con ngan trên người, áp giải suốt chặng đường dài hơn 2km ra trụ sở công an để làm việc. Vì giá trị không lớn nên người này chỉ bị phạt hành chính rồi thả về. Nhưng hình ảnh người đàn ông và con ngan đã cảnh tỉnh tất cả những kẻ đã và đang có ý đồ trộm cắp. Kể từ đó, làng quê tôi không còn xảy ra việc trộm gia súc, gia cầm thường xuyên như trước nữa. Rõ ràng đây là biện pháp hiệu quả nhất để dập nạn trộm cắp.
Chính lòng trắc ẩn một cách mù quáng của người Việt khiến nạn trộm cắp hoành hành. Nếu chúng ta cương quyết đấu tranh với tội phạm, xử phạt thích đáng thì có lẽ chẳng còn ai dám làm chuyện xấu nữa. Thật đáng buồn nếu sống mà lúc nào chúng ta cũng lo lắng, tài sản để ở nhà thì bị trộm, đem theo người thì sợ cướp. Đã đến lúc cần dùng lý trí thay cho tình cảm trong việc xử lý vấn đề này.
>> Xem thêm: 97% người được hỏi sẽ tiếp tục đánh trộm chó
Thạch Lam
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề cuộc sống, xã hội tại đây.