Nhìn lại cảnh người dân lao vào hôi bia tại Đồng Nai, mặc tài xế van xin, tôi chợt nhớ lại câu chuyện đã xảy ra mười mấy năm rồi mà tôi là người trong cuộc.
Năm đó có một đoàn công tác của Mỹ về quê tôi để tìm hài cốt phi công Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam. Sau hơn một tháng đào bới, họ quay trở về Mỹ, trước khi đi, toàn bộ bánh kẹo, lương khô và nước khoáng, họ chia lại cho trẻ em địa phương.
Các bạn của tôi, những anh chị học lớp lớn hơn (năm đó tôi học lớp 2) ào vào để tranh cướp. Có mấy bạn nhỏ chui cả lên xe của họ để lục đồ, ngay lập tức, những đứa trẻ này bị các nhân viên nước ngoài cầm chân kéo ra. Dù bị kéo chân nhưng chúng vẫn cố nắm cái gì đó vừa lấy được trong tay. Số khác ít manh động hơn thì đứng ngoài chen lấn, xô đẩy nhau đập đầu cả vào cánh cửa ôtô.
Đến giờ xuất phát, vì còn khá nhiều kẹo và nước khoáng. Các nhân viên Mỹ cuống cuồng phân phát nhưng vẫn không kịp, đội trưởng ra lệnh xe lăn bánh. Một anh trong đoàn cầm những bịch kẹo đã xé sẵn vãi ra bãi cỏ gần đấy. Nhanh như cắt, những đứa trẻ quay ngoắt về hướng bãi cỏ, chúng nhoài người ra vơ vét, cào cấu, đánh nhau vì những viên kẹo.
Những người Mỹ dần khuất xa nhưng đám đông hỗn loạn vẫn còn đánh nhau, đứa khóc, đứa cười, nhiều đứa mặt mày thâm tím.
Tôi và cô chủ nhiệm đứng từ xa quan sát, cô hỏi: "Sao em không vào tranh cướp kẹo giống mấy bạn kia? Kẹo Mỹ ngon lắm, em không thích ăn à?". Tôi nói kẹo ngon nhưng mà ăn như vậy nhục lắm, về Mỹ họ sẽ cười trẻ em Việt Nam. Cô cười hiền xoa đầu tôi, mắt nhìn xa xăm về hướng đoàn xe vừa đi khuất.
Tôi không biết lúc đó cô nghĩ gì, nhưng chắc cũng xót xa về đám học trò của mình. Học môn đạo đức đứa nào cũng giỏi, cũng nói vanh vách: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, ấy vậy mà ra ngoài đời chẳng áp dụng được gì.
Về nhà tôi kể lại câu chuyện, bố tôi vui lắm, dù tôi chẳng mang được chai nước khoáng, gói kẹo nào về nhà. Có lẽ rơi vào gia đình khác, câu đầu tiên sẽ là: “Sao mày ngu thế, ra đời mà cứ nhút nhát thì thiệt thòi cả đời con ạ”.
Nhìn rộng ra một chút, có lẽ hôi của thì nước nào cũng có, nhưng nổi cộm nhất là xảy ra ở những nước nghèo, đông dân như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ… Vậy rồi người ta tặc lưỡi, ừ thì tại nghèo quá hóa liều, bần cùng sinh đạo tặc. Một số người chấp nhận chuyện hôi của như một vấn đề bất khả kháng trong xã hội. Họ cho rằng xã hội có người này người kia, đâu phải ai cũng là người tốt, và rồi dễ dàng bỏ qua.
Việc hôi của tại Việt Nam thì có lẽ ngày nào cũng có, từ những việc nhỏ như đứa bé giành nhau mấy viên kẹo, cho đến người đi đường bay ra đường lượm tiền của người bị cướp… Nhưng lớn nhất, nổi cộm nhất và đánh động dư luận nhiều nhất phải kể đến vụ hôi bia mới diễn ra tại Đồng Nai.
Hành động của những người này không chỉ vượt quá giới hạn đạo đức của một con người mà nó còn vô cùng nhẫn tâm. Họ bỏ qua lời van xin của tài xế, thản nhiên đạp lên bia, lao vào vơ vét tài sản của người khác với vẻ mặt hân hoan như lấy được lộc trời ban.
Người nghèo ở đâu cũng có, thậm chí vẫn có người chết đói nhưng họ không bao giờ, không bao giờ làm cái việc đáng hổ thẹn như vậy. Nhìn trong các tấm hình, tôi vẫn thấy những người đang cố ngăn chặn đám đông tàn nhẫn kia, vẫn có những người chụp hình, quay phim để ghi lại hành động đáng lên án này. Đừng nói họ không thèm bia, và đừng nói họ giàu. Trong đám đông hỗn loạn đó, ta nhận ra, đâu là con người có lòng tự trọng.
Thạch Lam