"Tôi thấy trên mạng xã hội Facebook có video một cô nói về vấn đề tại sao tiền điện lại tăng gấp đôi. Bên dưới mọi người đồng ý cô này rất nhiều và rất ít người hiểu biết phát hiện ra vấn đề.
Họ đổ lỗi cho điện lực, họ đổ lỗi cho đồng hồ điện... Thế nhưng họ lại quên đi nguyên lý hoạt động của điện và thiết bị điện lạnh như điều hòa, tủ lạnh.
Tôi thấy buồn cười khi nhiều người cứ bảo sao tháng này nhà cũng bật điều hòa như tháng trước mà lại tốn nhiều tiện điện gấp đôi, gấp rưỡi, và đổ lỗi cho bên điện, cho công tơ sai, ghi sai chỉ số.
Nhưng thực tế, thời gian bật máy lạnh như nhau mà tiền điện chênh nhau là bình thường. Nguyên nhân là do nhiệt độ ngoài trời khác nhau thì lượng điện tiêu thụ cũng khác nhau dù cùng bật máy lạnh với thời gian và nhiệt độ như nhau.
Ví dụ nhà tôi hay bật máy lạnh ở mức 28 độ C. Nếu ngoài trời tầm 30 - 32 độ C thì sau khi phòng đã mát điều hòa chỉ chạy tầm trên dưới 250W. Nhưng nếu nhiệt độ ngoài trời là 38 - 40 độ thì điều hòa sẽ chạy rất lâu ở tầm 800W sau đó hạ xuống tầm 450 - 550W. Điều này còn phụ thuộc cả diện tích phòng.
Cho nên tháng trước trời còn mát thì 1 triệu tiền điện, tháng này nóng lên 1,5 triệu - 2 triệu đồng cũng là chuyện bình thường. Nếu cảm thấy điện lực ghi sai chỉ số, thì có rất nhiều cách để đối chứng. Có thể mua công tơ về tự lắp, sau đó đo và so sánh sẽ biết ngay.
Một người bị tăng đột biến thì có thể do công tơ hỏng. Nhưng cả nghìn người lại mùa nắng nóng thì việc tiền điện tăng chẳng có gì khó hiểu cả".
Độc giả Thanh Y đưa ra nhận định và lý giải cho những trường hợp thắc mắc "vì sao mở máy lạnh như tháng trước, nhưng tháng này tiền điện tăng đột biến. Theo đó, nắng nóng khiến tiền điện tháng tư của nhiều hộ dân ở TP HCM và Hà Nội tăng 20-50% so với tháng 3 và gấp đôi các tháng trước.
*Bạn có đồng ý với cách lý giải trên?
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.