5 năm qua từ căn hộ ở tầng 13 ở Bắc Kinh, ông Zou Yi dành tâm huyết thực hiện dự án chụp ảnh đường chân trời ám đầy khói bụi để phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động. Nhưng mùa đông năm nay, ngoại trừ một vài ngày u ám, ông chứng kiến màu xanh khác lạ ở nơi ông từng gọi như "đêm tối u ám tịch mịch" giữa ban ngày, AFP hôm qua đưa tin.
"Có cảm giác như cuộc sống đã trở lại thành phố này", người đàn ông 50 tuổi từng làm đầu tư bất động sản chia sẻ.
Như nhiều công dân khác ở thủ đô, ông Zou gặp nhiều phiền toái vì không khí độc hại. Ông phải hạn chế rời nhà, từng nhiều lần đưa con tới viện, thậm chí bỏ việc để tập trung vào cuộc chiến bảo vệ môi trường từ năm 2013. Công việc mới của ông là đều đặn ghi lại hình ảnh Tháp Truyền hình Bắc Kinh bị khói bụi bao phủ. Ảnh sau đó được đăng lên mạng xã hội.
Những năm qua, ô nhiễm không khí là một vấn đề lớn của thủ đô Trung Quốc. Năm 2017, trung bình người dân Bắc Kinh hít phải 58 microgram hạt bụi siêu vi PM2.5 trên một m3 không khí, hơn gấp đôi mức 25 microgram/m3 trong 24 giờ được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị. Loại hạt này có thể thâm nhập sâu vào phổi gây ra các vấn đề về sức khỏe.
Tuy nhiên, cuộc chiến không tiếng súng của Bắc Kinh đang cho thấy những chuyển biến tích cực. Riêng quý 4 năm 2017, mật độ hạt bụi PM2.5 tiếp tục giảm 53,8%. Chất lượng không khí của Bắc Kinh năm qua được xếp vào hàng tốt nhất theo số liệu thống kê với số ngày có chất lượng không khí tốt tăng ổn định.
"Giờ đây khi không khí đã trong lành, tôi phát hiện thành phố của chúng tôi là một thành phố của sắc màu, tràn ngập cảm xúc và thanh âm", ông Zou bày tỏ từ vị trí có góc nhìn 360 độ ra quận kinh doanh trung tâm bên dưới.
Theo cục phụ trách bảo vệ môi trường của Bắc Kinh, kết quả này có được là nhờ các biện pháp kiểm soát ô nhiễm được giới chức triển khai từ năm 2013. Để tạo ra các vành đai không khói than, thành phố yêu cầu các công ty gây ô nhiễm rời khỏi Bắc Kinh lẫn các khu vực lân cận. Hơn ba triệu hộ gia đình chuyển sang dùng khí đốt hoặc điện để sưởi ấm.
Các doanh nghiệp nhỏ hơn tại các khu vực khác cũng bị điều tra hành vi có thể làm trầm trọng tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo Huang Wei, nhà vận động về vấn đề khí hậu và năng lượng tại khu vực Đông Á của tổ chức Hòa bình Xanh, các quy định về môi trường trước đây được áp dụng chủ yếu cho các công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước. "Giờ đây trọng tâm được dồn vào các công ty và tập đoàn địa phương", bà nói.
Trong khi đó, nhà bảo vệ môi trường Ma Jun cho rằng việc nâng cao ý thức của cộng đồng để người dân tạo áp lực lên các doanh nghiệp vi phạm luật môi trường cũng đóng một vai trò quan trọng. Để làm điều này, Ma đã viết một quyển sách về cuộc khủng hoảng ô nhiễm của Trung Quốc và liệt kê thông tin chính thức về vi phạm của các công ty trên Internet.
Theo các nhà phân tích, điều kiện thời tiết thuận lợi tại thủ đô như có gió mạnh cũng là một yếu tố giúp chất lượng không khí mùa đông này được cải thiện.
Trung Quốc đang tiến gần đến điểm cuối của kế hoạch chống ô nhiễm không khí kéo dài 5 năm. Các chuyên gia và nhà hoạt động kêu gọi chính phủ thực hiện một chiến dịch mới để đạt thành công trong dài hạn.
Một phân tích được tổ chức Hòa bình Xanh công bố ngày 11/1 cho thấy trong ba tháng cuối năm 2017, nồng độ hạt PM2.5 ở Bắc Kinh, Thiên Tân và 26 thành phố lân cận tiếp tục giảm 33,1%. Song trong cả năm, nồng độ hạt này chỉ giảm 4,5% trên cả nước, tỷ lệ giảm thấp nhất kể từ năm 2013.
"Chúng tôi hy vọng mọi người không vội thỏa mãn", Xu Yuan, chuyên gia chính sách về ô nhiễm không khí tại Đại học Trung văn Hương Cảng, đánh giá. Chuyên gia này cho rằng tình trạng ô nhiễm sẽ trở lại dù bức tranh chống ô nhiễm của Trung Quốc trong dài hạn là tích cực và chất lượng không khí đã có chuyển biến lớn.
Giữa lúc câu hỏi liệu các biện pháp chính phủ thực hiện có mang tính bền vững hay không còn bị bỏ ngỏ, giới chức cảnh báo khói bụi sẽ bao trùm Bắc Kinh lẫn các khu vực lân cận cuối tuần này. Tuy nhiên, ông Zou vẫn nuôi một giấc mộng. "Tôi muốn bầu trời của đất nước chúng tôi có thể luôn trong xanh như vậy", ông nói.
Vũ Phong