Dita Wahyunita không thích đi bộ trên đường phố thủ đô Indonesia. Vỉa hè ngoài tòa nhà văn phòng nơi cô làm việc ở trung tâm Jakarta đã trả lời đầy đủ nguyên nhân, theo New York Times.
Mặt vỉa hè khấp khểnh, nứt vỡ. Ống cống, ống dây điện vứt đầy trên lối đi bộ. Xe máy lao ầm ầm lên vỉa hè, biến nó thành lối đi riêng để tránh tắc đường hoặc là biến nó thành bãi đỗ xe. Không chỉ vậy, nếu đi bộ, Wahyunita còn phải đối mặt với cái nắng nóng của vùng nhiệt đới, ô nhiễm không khí, móc túi và những kẻ thiếu đứng đắn.
"Tôi cảm thấy đi bộ không an toàn vì nhiều lý do", cô gái 24 tuổi nói. "Vỉa hè ở đây thật kinh khủng. Ở những quốc gia khác, vỉa hè rộng rãi, chỉ dành cho người đi bộ, vì vậy rất thoải mái".
Wahyunita, nhà phân tích thị trường, không phải là người Indonesia duy nhất không muốn đi bộ. Trong một nghiên cứu mới do các chuyên viên đại học Stanford, đất nước đông dân thứ 4 thế giới này đứng cuối trong số 46 quốc gia và vùng lãnh thổ về số bước đi mà mỗi công dân thực hiện hàng ngày. Người Indonesia trung bình chỉ đi 3.513 bước một ngày.
Theo nghiên cứu, Hong Kong đứng đầu bảng với 6.880 bước, Trung Quốc đại lục thứ hai với 6.189 bước; tiếp theo là Ukraine, Nhật Bản và Nga. Nghiên cứu thực hiện trên 717.000 người ở 111 quốc gia, những người tự nguyện theo dõi hoạt động hàng ngày bằng ứng dụng điện thoại thông minh và đồng hồ đeo tay được các nghiên cứu viên của Stanford thiết kế.
Jakarta là một đô thị lớn với 10 triệu dân trong nội đô và khoảng 30 triệu ở vùng ven. Tuy nhiên, chỉ có 7% trong số hơn 7.200 km đường ở đây có vỉa hè, theo số liệu của chính quyền địa phương.
"Vỉa hè xấu, xe máy chiếm dụng vỉa hè. Chúng tôi không ngạc nhiên khi người dân ở đây không thể đi bộ nhiều", Tim Althoff, trưởng nhóm nghiên cứu gồm 7 thành viên ở đại học Stanford nhận xét.
Ông Althoff lưu ý chất lượng không khí kém ở Jakarta cũng là yếu tố khiến người dân không muốn đi bộ. Ở một số khu vực trong thành phố, mức độ ô nhiễm không khí thường xuyên vượt chỉ số "bất lợi cho sức khỏe" của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.
Thay vì đi bộ, người dân Jakarta và những vùng đô thị khác, nơi hơn 50% của dân số 250 triệu người Indonesia sinh sống, thường sử dụng xe hơi, xe buýt, taxi và xe máy để di chuyển quãng đường có khi chưa đầy 200 mét, theo dữ liệu phân tích.
Người Indonesia thích chờ thang máy, cho dù chỉ đi một tầng, hơn là leo thang bộ. Người ngoại quốc thường xuyên thấy cảnh người Indonesia di chuyển trên băng chuyền tại sân bay quốc tế Jakarta, thay vì đi bộ.
"Chúng tôi rất lười", Alfred Sitorus, chủ tịch Liên minh Người đi bộ, một nhóm hoạt động có trụ sở tại Jakarta thường tổ chức đoàn người nắm tay nhau trên vỉa hè khắp thành phố để chặn xe máy, nói.
Ông Sitorus có cảm hứng thành lập nhóm khi nghe con gái phàn nàn về vỉa hè đầy nguy hiểm. Thành viên nhóm sẽ kêu gọi người lái xe máy đi đúng đường, hoặc chớ biến vỉa hè thành bãi đỗ xe. Họ thường xuyên bị các lái xe đe dọa.
"Hồi bé, chúng tôi được dạy dỗ rằng vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng khi lớn lên, chúng tôi nghĩ xe máy dùng vỉa hè cũng chẳng sao. Tính qua loa là thứ khiến chúng tôi lười biếng", ông Sitorus nhận xét.
Jeferson Butar, người làm việc cho một công ty viễn thông ở cùng tòa nhà với Wahyunita, cho biết "rất khó để chúng tôi thay đổi thói quen" đi xe máy trên vỉa hè, hay leo thang bộ thay vì đi thang máy.
"Tôi cho rằng đây là chuyện của chính phủ cần giải quyết. Có lẽ cảnh sát phải tích cực hơn, chẳng hạn như giám sát lái xe phạm luật đi trên vỉa hè. Đó là chuyện của nhà nước, không phải chuyện của chúng tôi", anh nói.
Fransino Tirta, giám đốc điều hành của One Pride, liên đoàn võ tự do (MMA) hàng đầu Indonesia, người đồng thời sở hữu một phòng gym, cho rằng người Indonesia không thể mong đợi chính phủ xây dựng hàng nghìn km vỉa hè.
"Ta phải chủ động thôi", ông nói. "Nếu đi bộ không tiện, ta có thể tự tìm những hoạt động thể dục có lợi và vui vẻ khác để làm".
Hồng Hạnh