Ngày viết hồ sơ dự thi đại học, tôi chọn cho mình một ngành học khá mới lạ. Anh trai bảo rằng học ngành này tôi có thể làm được rất nhiều việc mà tôi thích, có cơ hội để thể hiện bản lĩnh và khả năng của mình. Tất nhiên anh cũng cho hay rằng một khi chọn ngành đó, tôi sẽ gắn với phố suốt đoạn đường còn lại. Tôi không những chẳng do dự, mà còn thấy hài lòng với quyết định của mình.
Suốt 4 năm ngồi trên ghế giảng đường, niềm vui gặt được từ học hành, từ những chuyến đi thiện nguyện, từ những người bạn mới khiến tôi dằn lòng quên đi một dòng cảm xúc khác. Tôi quên rằng mình đã có những phút nhớ làng đến quay quắt; tôi cũng quên đi những hờ hững, lạnh lùng đón nhận từ phố và người ở phố. Chỉ đến khi cầm trên tay “tấm vé” bước vào đời, tôi mới giật mình nhận ra phố không hề có chỗ dành cho mình; bản thân dù có cố thật nhiều cũng chẳng thể đem lòng yêu mến nó. Chính lúc đó, tim tôi réo rắt tiếng gọi “Trở về”.
Trong những ngày nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một chặng đường mới, tôi trở về với mẹ, với làng. 21 tuổi, với sự tự tin, bản lĩnh và lòng nhiệt huyết, tôi hy vọng mình sẽ được trao cho cơ hội để gần mẹ, gần làng. Không nói với mẹ, cũng chẳng thưa với anh chị mình, tôi mang hồ sơ đến một vài nơi với niềm tin đó. Nhưng kết quả không như tôi mong đợi. Họ bảo hồ sơ đẹp, bảo tôi có đủ tố chất để làm việc ở những vị trí đó; nhưng họ cũng nói rằng tôi thiếu nhiều thứ không thể gọi tên.
Trở lại phố với tâm thế của một kẻ vừa đón nhận thất bại đầu đời, trong tôi không còn cái háo hức khám phá, háo hức khẳng định mình của cô bé tuổi 17 ngày nào.
Phố nơi tôi tạm dừng chân ở cách làng chừng 500km - không quá xa nhưng cũng chẳng gần. Cứ đôi ba chục ngày, tôi lại thu xếp để có thể về làng, nằm trong lòng mẹ ôm tròn giấc ngủ. Những lúc đó, tôi được vùi đầu trong yêu thương của mẹ, trong những săn sóc của cô bác láng giềng; mọi ganh đua mang mùi phố bay biến hết. Cứ thế, trong tôi bao giờ cũng mang cảm giác thèm làng và chờ đợi ngày được về lại làng.
Có lẽ tôi sẽ mãi buông xuôi, ép mình phải trải qua những năm dài với sự thèm khát và chờ đợi ấy nếu không có một ngày…
Vào một ngày mưa cuối năm ngoái, anh trai tôi bị tai nạn. Thời gian ở bệnh viện chăm anh đã giúp tôi đã nhận ra nhiều điều.
Tôi nhận ra rằng, trong cuộc sống không ai lường trước được điều gì; sức khỏe và bình an là những thứ không bao giờ có được bằng cố gắng. Tôi cũng nhận ra, chỉ những người thân trong gia đình mới có thể yêu thương ta vô điều kiện; chỉ có làng với tình người ăm ắp mới đủ bình yên cho ta tựa vào…
Và tôi kịp nhận ra từ trước đến nay chỉ biết chạy theo những điều phù phiếm mà hờ hững với tình thân, tình làng. Không cho phép mình tiếp tục sống với những giá trị ảo, tôi quyết định ở lại với mẹ, với quê.
Trong khi bạn bè chọn cách thành đạt để về làng báo hiếu bậc sinh thành; thì tôi lại chọn cho riêng mình cách từ bỏ phố với nhiều cơ hội tốt đẹp. Tôi từ bỏ để được trở về cạnh bên những người tôi yêu kính nhất; để có thể sớm tối chăm sóc đỡ đần, nấu bát cháo dâng họ khi đau ốm, kể chuyện vui khi họ thấy buồn lòng… Tôi chọn cách trở về vì tôi nhận ra bản thân mình không xa rời được bóng mẹ, không xa được vòng làng ấm yên.
Về với làng, tôi cho phép mình đón nhận yêu thương từ một chàng trai - điều mà suốt những năm dài ở phố tôi đã cố tình chạy trốn. Anh khiến tôi tin rằng, bằng tình yêu dành cho nhau, bằng tình yêu đối với mẹ làng, hai chúng tôi có thể tạo nên điều kỳ diệu ngay trên mảnh đất mình được sinh ra. Anh đã nói với tôi: “Làng thiếu nhiều thứ mà ở phố có, nhưng lại sẵn đầy những điều mà phố chẳng thể sắm mua”. Đó là những thương yêu chân thành, những sẻ chia ấm áp, tôi biết.
Không như phố, làng luôn có chỗ dành cho tôi. Ở đó, có những người yêu thương tôi vô điều kiện. Ở đó, không có người biết nói những lời ngọt ngào nhưng ai cũng sẵn tấm chân tình. Và ở đó, có anh - người sẽ cùng tôi viết nên trang mới cho chính chúng tôi và cả cho làng. Trang mới ấy, vẫn thật bình yên và chắc chắn đậm màu hạnh phúc.
Quê hương là nơi sinh ra ta và nuôi ta khôn lớn, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ta. Cứ đi bất cứ nơi nào bạn muốn, nhưng hãy nhớ luôn có mẹ quê trĩu lòng mong ngóng đứa con xa. Khi mẹ quê trở yếu, còn gì hạnh phúc hơn việc được nhìn thấy các con trở về, dùng đôi vai vạm vỡ, đôi chân vững chắc để dìu bước chân mình?
Lê Mùa Chiêm