Tôi không dám cho mình là người nhìn thấy nhiều nỗi đau nhưng bạn đã bao giờ ôm một người trong giai đoạn cận tử, đang hốt hoảng vì khó thở dù đang thở bằng oxy để cảm thấy tấm thân mong manh run rẩy vì đau đớn trong vòng tay mình, để cảm thấy nỗi lo cô đơn của họ?
Đại đa số bệnh nhân ung thư (80%), dù ở các nước có nền y học khá tiên tiến, bị đau và rất đau đớn. Và không chỉ đau đớn thể xác, họ còn tuyệt vọng và đau khổ vì cuộc chia ly phía trước. Khi đau đớn và tuyệt vọng kéo dài, người ta muốn chấm dứt nó.
Cũng rất dễ hiểu khi người bệnh cận tử đề nghị bác sĩ trợ giúp cho chết nhanh và êm ái để thoát khỏi đau đớn. Việc này được gọi là “trợ tử” (euthanasia). Việc dừng can thiệp điều trị, tắt thiết bị duy trì sự sống được gọi “trợ tử thụ động” (passive euthanasia). Việc gia đình và bệnh nhân yêu cầu bác sĩ trích thuốc mê liều tử vong để bệnh nhân ra đi êm dịu được gọi là “trợ tử chủ động” (active voluntary euthanasia).
Trên thực tế, trợ tử thụ động vẫn được chấp nhận. Khi bệnh cận tử và đau đớn, bệnh nhân (hay người thân đại diện) có quyền từ chối điều trị tích cực với mục tiêu chấm dứt nhanh những đau đớn có thể kéo dài.
Việc trợ tử chủ động mà Vụ Pháp chế của Bộ Y tế Việt Nam đề xuất bổ sung vào Bộ luật Dân sự gây bàn cãi nhiều ngày qua là vấn đề không mới trên thế giới. Nó đã có từ thời cổ Hy Lạp. Ở Anh Quốc, vào năm 1936, King George V đã được chích morphine và cocaine liều tử vong bằng bác sĩ riêng của nhà vua, Lord Dawson, khi vua bị suy tim mạch và suy hô hấp nghiêm trọng. Việc này chỉ được tiết lộ 50 năm sau đó. Cuộc tranh luận nhằm trả lời câu hỏi là trợ tử chủ động có thể được luân lý chấp nhận hay không. Nếu có, có nên hợp pháp hóa việc bệnh nhân bị bệnh cận tử và rất đau đớn được phép yêu cầu bác sĩ cho một liều thuốc tử vong, trong những hoàn cảnh có kiểm soát cẩn thận?
Luật về quyền chết có trợ giúp được thông qua ở các quốc gia Hà Lan, Columbia, Thụy Sĩ, Nhật, Đức, Bỉ, Luxembourg, Estonia, Albania, các tiểu bang Washington, Oregon, Montana, Vermont ở Mỹ, và Quebec ở Canada. Australia, nơi tôi đang làm việc, không thông qua luật này dù rằng có những người vận động rất mạnh cho phong trào trợ tử.
Thầy thuốc nghĩ sao về vấn đề này? Một điều tra hơn 10.000 bác sĩ nội khoa ở Mỹ cho thấy khoảng 16 % sẽ có thể dừng điều trị duy trì sự sống nếu gia đình yêu cầu dù biết rằng như thế là còn sớm, 55 % sẽ không làm điều đó, và 29% còn lại thì tùy theo hoàn cảnh. Tại UK, vài nghiên cứu cho thấy số bác sĩ ủng hộ trợ tử là khỏang 55% và số phản đối khoảng 35%. Y học truyền thống không ủng hộ việc trợ tử. Lời thề Hippocrates nói: “Tôi sẽ không cho thuốc gây chết người cho bất cứ ai kể cả khi được yêu cầu”. Bộ luật y đức quốc tế được World Medical Assocition (WMA) thông qua từ 1949 viết: “Một bác sĩ cần luôn ghi nhớ trách nhiệm bảo tồn sự sống từ lúc được thụ thai cho đến khi chết”. Quan điểm này được nhấn mạnh lại một lần nữa trong Tuyên bố Marbella 1992: “Khi một bác sĩ cố tình trợ giúp một người kết liễu cuộc sống của mình, bác sĩ đó hành động vô đạo đức”.
Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Australia, khi bị bệnh cận tử, người bệnh và gia đình có quyền từ chối điều trị tích cực, và ta có thể hiểu điều này thực ra tương đương với “quyền trợ tử thụ động”. Nhờ hệ thống chăm sóc cận tử miễn phí, người bệnh được chăm sóc chu đáo cho đến phút cuối cùng mà không trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình. Ta có thể hiểu và thông cảm được với tâm trạng của những người đã phải chăm sóc và chứng kiến những đau đớn của người thân trong những ngày cuối đời. Những người này thường ủng hộ luật trợ tử. Họ cho rằng quyền tự quyết, tính độc lập, phẩm giá của cá nhân cho phép con người được tự lựa chọn cái chết.
Tuy nhiên, theo tôi, một người vừa theo đạo Phật, vừa làm công việc điều dưỡng, thì sự sống của con người là thiêng liêng, là “tài sản được ủy thác” và ta không có quyền “sở hữu” tuyệt đối. Thực ra ta làm gì có “quyền” cho sự sinh ra và chết đi của ta. Một kẻ sống tham lam ác độc thì làm sao chọn được cái chết thanh thản? Sự sống, nói cách khác là được ban tặng và chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ và làm nó tốt hơn, hạnh phúc hơn, cho mình và cho người khác. Tự ý bằng cách này cách khác để hủy hoại cuộc sống là không làm tròn trách nhiệm của mình. Trong trường hợp trợ tử, nó ảnh hưởng lâu dài, suốt đời đến bạn bè, gia đình.
Tôi tin là có cách khác thay việc trợ tử chủ động. Trong trường hợp ông Brian, nhóm điều trị chúng tôi đã họp với ông và gia đình, thỏa thuận phương thức chăm sóc tiếp theo: không điều trị tích cực ung thư, chỉ chăm sóc cận tử tốt, giảm đau và ổn định tâm lý hiệu quả. Những ngày sau, ông mê man nhiều hơn do thuốc giảm đau và thuốc an thần, được tiêm dưới da. Gia đình có mặt xung quanh ông thường xuyên. Họ nắm tay ông cả khi ông ngủ. Bà vợ được chúng tôi kê thêm một chiếc giường bệnh viện bên cạnh để bà nghỉ ngơi khi cần. Phòng đối diện là cái bếp nhỏ, có nước sôi, có máy nước đá, tủ lạnh. Họ có thể tự pha cà phê hay trà trong khi thăm ông.
Tôi chưa gặp một người bệnh cận tử nào yêu cầu được trợ tử chủ động, có thể vì luật ở Australia không cho phép. Tuy nhiên, trong thời gian tôi làm công việc chăm sóc người già, người tàn tật, người cận tử trong bệnh viện, chính họ là người đã thay đổi cách nhìn cuộc sống của tôi, làm tôi yêu người, yêu sự sống hơn qua thái độ của họ chứ không phải ngược lại.
Nguyễn Thị Nhuận