Khác với bạn bè đang nghỉ ngơi sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Kiên, học sinh trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ, Thái Bình), tiếp tục một mình thuê trọ ở thủ đô, ôn thi kỹ sư tài năng để vào Đại học Bách khoa Hà Nội.
Khi nhiều người trêu nhau rạng sáng 27/8 như "giao thừa" của các sĩ tử vì biết điểm thi, Kiên lại đi ngủ từ sớm vì ôn thi mệt, gửi lại số báo danh và nhờ bạn bè tra điểm hộ. Gần 0h30, điện thoại liên tục đổ chuông, Kiên nhận tin báo "Được 10 Toán, 10 Hóa, 9,75 Lý, tổng 29,75 Kiên ơi" từ người bạn thân.
"Lúc đó em vui lắm, còn cẩn thận lên tra lại nhưng nghĩ thủ khoa phải 30 điểm, chắc không phải mình đâu", Kiên kể. Sáng hôm sau, em vẫn đi học bình thường, thậm chí không vào mạng xã hội. Mãi cho đến khi được bạn gửi danh sách top 100 thí sinh điểm cao nhất khối A, thấy mình là một trong hai người đạt điểm cao nhất cả nước, Kiên mới dám tin.
Khi học THCS, Kiên được đánh giá sáng dạ, học tốt. Tuy nhiên đến năm lớp 9, bị rủ rê, em bắt đầu chơi game và chểnh mảng học hành. Một tuần đi học 6 ngày, Kiên vắng mặt quá nửa. Đỉnh điểm có lần, Kiên bị bố bắt gặp trốn học ra quán net. Sau khi mắng và đưa Kiên về nhà, bố đốt hết sách lớp 9 của em.
Sự nghiêm khắc của gia đình không khiến Kiên chuyên tâm học tập. Cuối năm lớp 10, em quyết định nghỉ học, vào Bình Dương tìm việc làm. Dù bố mẹ khuyên nhủ thế nào, em cũng lắc đầu, nhất quyết không trở lại trường. Lựa chọn này của Kiên khiến mẹ em khóc suốt, còn bố im lặng thở dài.
Khi đến Bình Dương, Kiên làm quen với công việc thợ may, sau đó chạy việc ở quán cà phê. Mỗi ngày, em kiếm được khoảng 200.000 đồng, thu nhập một tháng hơn 4 triệu. Sau khi trừ một triệu tiền thuê trọ, 2 triệu tiền ăn, Kiên còn dư một ít, chủ yếu dùng chơi game và mua vài món đồ ưa thích.
Sau gần một năm sống xa nhà, Kiên bắt đầu phải làm tăng ca, từ 7h đến 21-22h. Trở về phòng trọ sau hơn 12 tiếng làm việc, em mệt lả và bắt đầu thấy hối hận. Những đêm trằn trọc khó ngủ, Kiên nhớ mẹ.
"Mẹ em bán mía và hoa quả ở chợ, mỗi ngày kiếm vài chục nghìn, hôm nào khá thì được 200.000 đồng. Những ngày trời mưa, không ai mua thường lỗ vốn. Bố làm thợ bê tông, đi theo các công trình nên vắng nhà suốt ", Kiên kể.
Theo dòng suy nghĩ, chàng trai sinh năm 1999 thấy day dứt vì bố mẹ vất vả kiếm tiền cho em ăn học, còn em lại phụ lòng. Kiên quyết định gọi về nhà, rụt rè nói muốn được đi học tiếp. "Lúc đó, bố mẹ mừng lắm, bảo em cứ về đi, tốn bao nhiêu cũng nuôi được, kể cả không có tiền vẫn cho em đi học", Kiên kể lại.
Trở về quê, Kiên học lại lớp 10, trong khi bạn bè vào giảng đường đại học. Ngày đầu đến lớp, em lo lắng không biết học được hay không. Do nghỉ đã lâu, em phải học lại từ kiến thức cơ bản nhất, tự lên mạng tìm tài liệu vì không có người kèm cặp. Để không bị tụt lại phía sau, Kiên phải nỗ lực gấp 10 lần bình thường.
Nam sinh chia sẻ, môn em gặp khó khăn nhất là Lý vì có nhiều công thức, nội dung bài học cũng có sự liên quan chặt chẽ. Thời gian đầu, Kiên cũng bị một số bạn bè trêu chọc là "thằng học dốt", "thằng bỏ học" nhưng em bỏ ngoài tai, chứng minh bằng khả năng và kết quả học tập của chính mình.
Sau năm học đầu tiên, Kiên dần bắt nhịp với bạn bè, cũng không còn bị chê cười vì học chậm ba năm. Với lực học khá, em được chuyển sang lớp chọn. Nam sinh thường đọc trước bài, chăm chỉ luyện đề, làm nhiều bài tập để nhớ kỹ kiến thức. Hết học kỳ I năm lớp 12, Kiên đã học xong chương trình, dành toàn bộ thời gian để làm đề thi thử, đề minh họa các năm trước.
Kiên dành phần lớn thời gian tự học ở nhà, hai tháng rưỡi trước ngày thi mới học thêm Lý hai buổi một tuần. Mỗi tối, em thường học một môn, từ 19 đến 23h, sau đó đi ngủ và sáng dậy sớm đọc lại.
Trong buổi thi Toán và Hóa tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, không câu hỏi nào làm khó được Kiên. Mỗi lựa chọn của em đều dựa trên tính toán, suy luận, không có câu nào khoanh bừa và phụ thuộc may mắn. Riêng môn Lý, em phân vân một câu và đã chọn đáp án sai.
Thi xong, nam sinh thấy thoải mái nhưng không vội vã so đáp án ngay. Vài ngày sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án chính thức, Kiên mới kiểm tra, nhẩm tính được 29,75 điểm.
Cô Bùi Thị Miên, giáo viên chủ nhiệm và dạy Hóa của Kiên, đã chứng kiến quá trình học trò trở về đi học lại, nỗ lực hết mình để có được thành tích hôm nay. Cô giáo đánh giá Kiên trầm tính, bản lĩnh và luôn quyết tâm cao mỗi khi chú tâm vào việc gì.
Ngày công bố điểm, cô thao thức không ngủ được, cũng không dám mở điện thoại tra kết quả của cậu học trò đặc biệt. "Đến khi Kiên thông báo đạt 29,75, tôi vỡ òa hạnh phúc. Gắn bó với em mấy năm, cùng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, tôi thấy kết quả thi vô cùng xứng đáng với em", cô Miên nói.
Sau khi biết mình trở thành thủ khoa khối A, Kiên vội bắt chuyến xe muộn lúc 18h từ Hà Nội trở về Quỳnh Phụ, Thái Bình chia vui cùng cùng bố mẹ ngay trong tối 27/8. Em định ở nhà 1-2 hôm, sau đó quay lại Hà Nội để ôn luyện thật tốt cho kỳ thi Kỹ sư tài năng, đặt mục tiêu trúng tuyển lớp Tài năng Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhìn lại hành trình 6 năm qua, Kiên cho rằng tuy có phần hối hận khi bỏ học, nhưng nếu không có lựa chọn đó, chắc bây giờ em vẫn chỉ là cậu bé mê game, bỏ bê học tập và không có động lực để đạt được kết quả này. "Sau ba năm đi làm, em hiểu nếu không có kiến thức, mãi mãi không có tương lai", Kiên nói.
Thanh Hằng