Nguyễn Văn Thắng, 20 tuổi, là sinh viên năm ba ngành Kỹ thuật năng lượng, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong lễ khai giảng hôm 12/10, Thắng được nhận học bổng Sinh viên tài năng IMG trị giá 150 triệu đồng.
Để đạt học bổng này, sinh viên cần đạt điểm trung bình trên 3,8/4, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động của trường, có đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Sinh viên có những phát minh, sáng chế, đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế được ưu tiên.
Với điểm GPA sau hai năm đạt 3,86, danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp thành phố, hai giải nhì cá nhân và một giải nhất toàn đoàn tại kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên quốc tế cùng một bài báo ở hội nghị quốc tế, Thắng đủ điều kiện nộp hồ sơ, cùng 10 bạn khác vào vòng phỏng vấn.
"Em không phải người giỏi nhất nhưng rất tin mình sẽ được chọn. Em đã trình bày trước hội đồng mục tiêu và những gì sẽ làm để đạt mục tiêu đó và đã thuyết phục được họ", Thắng nói, cho rằng học bổng có giá trị rất lớn cả về vật chất và tinh thần.
Thắng còn từng giành học bổng trị giá 25 triệu đồng từ Vingroup và học bổng Vallet của Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam trị giá 28 triệu đồng, cùng ba học bổng khuyến khích học tập của trường.
Những thành tích đạt được chỉ trong hai năm đầu đại học của Thắng khiến không ít người bất ngờ khi biết em từng muốn học khối ngành Kinh tế nhưng trượt nguyện vọng 1 trường Đại học Ngoại thương.
Thắng là cựu học sinh trường THPT Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội. Em chăm chỉ học tập với mục tiêu đỗ vào đại học danh tiếng, đến mức có những ngày chỉ ngủ 3 tiếng. "Lúc nào em cũng trong tình trạng lờ đờ, ngay cả trên đường đi học. Có hôm còn ngủ quên", Thắng nhớ lại.
Vì học quá nhiều, Thắng trở nên mệt mỏi, không có thời gian phát triển các kỹ năng khác ngoài học tập. Vì vậy, khi chọn ngành và trường đại học, Thắng đã nhắm Đại học Ngoại thương với suy nghĩ ngôi trường năng động này sẽ giúp em trở nên toàn diện. Hơn nữa khi đó, Thắng cho rằng nhóm ngành Kinh tế "học nhẹ hơn, dễ hình dung công việc".
Ở nguyện vọng 2, nam sinh chọn ngành Kỹ thuật năng lượng của trường Đại học Công nghệ để nếu không đỗ Ngoại thương, em sẽ quay lại học ngành phù hợp với thế mạnh Vật lý và gần với đam mê hơn.
Đạt 27,2 điểm tổ hợp Toán, Lý, Hóa, thiếu hơn 1 điểm để vào Ngoại thương, Thắng có chút thất vọng. Thế nhưng, việc nhập học nguyện vọng 2 vào ngành phù hợp như đã tính toán lại trở nên hợp lý với Thắng.
"Bây giờ nhìn lại, trượt Ngoại thương có lẽ là điều may mắn với em. Nếu học Kinh tế, chắc giờ em vẫn phải tìm câu trả lời cho câu hỏi Tôi là ai", Thắng nói.
Ngay khi vào trường Đại học Công nghệ, Thắng chủ động tương tác với thầy cô và anh chị khóa trên để hỏi định hướng học tập và rèn luyện. Nhận được tư vấn, em đặt mục tiêu vào top 4 của lớp để lấy học bổng khuyến khích học tập.
Có mục tiêu, Thắng hỏi cách học phù hợp với từng môn, xin đề thi các năm trước để tìm hiểu và có hướng ôn luyện tốt nhất. Trên lớp, nam sinh chú ý nghe giảng. Về nhà, em xem lại bài và slide thầy cô gửi, đồng thời tìm thêm tài liệu liên quan để tự học.
Dù kiến thức nặng hơn bậc THPT, Thắng không bị áp lực phải tham dự kỳ thi mang tính "quyết định cuộc đời" như thi tốt nghiệp THPT. Tinh thần thoải mái, Thắng tập trung học ngay từ đầu để không mơ hồ bất kỳ phần kiến thức nào.
Song song việc học, Thắng tham gia một số cuộc thi về học thuật như Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc và nghiên cứu khoa học. Tháng 8 vừa qua, với tư cách tác giả của một bài báo, Thắng được trình bày tại hội nghị khoa học tự nhiên cho các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh và học viên cao học từ các nước Đông Nam Á (CASEAN).
Nam sinh vẫn sắp xếp thời gian để dạy gia sư online môn Vật lý cho học sinh lớp 12, mỗi năm 1-2 lớp và mỗi lớp 6-10 học sinh. Năm ngoái, một học sinh của Thắng đạt điểm 10 Vật lý thi tốt nghiệp THPT. "Cả nước chỉ có 154 thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn này nên em rất tự hào khi có một học sinh trong số đó", Thắng nói.
Ngoài các hoạt động liên quan đến học thuật, Thắng cũng tích cực trong hoạt động của khoa và trường với vai trò Ủy viên ban thư ký Hội Sinh viên. Em nhận ra không phải chỉ các trường khối Kinh tế mới năng động.
"Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng rất năng động với nhiều hoạt động, giúp em rèn luyện các kỹ năng", Thắng nói.
Cô Vũ Thị Thao, giảng viên, cố vấn học tập lớp Thắng, đánh giá cao sự chủ động sắp xếp công việc và làm tốt ở mọi vai trò của Thắng.
Cô thông tin từ các hoạt động chung ở lớp đến đoàn hội hay hoạt động tuyển sinh của trường, Thắng đều tham dự. Em còn rất chủ động học tập, đặc biệt trong việc học tiếng Anh và tìm thêm tài liệu. Thắng cũng là người có tương tác với giảng viên nhiều nhất trong lớp.
"Để nói về Thắng, có lẽ tôi nói cả ngày được", cô Thao chia sẻ, cho rằng lớp có sinh viên như Thắng sẽ thúc đẩy các bạn khác học tập và rèn luyện. Thắng cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trong lớp và khoa.
Đang ở năm ba đại học, Thắng đã lên kế hoạch xin học bổng du học bậc thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở Mỹ, Singapore hoặc Hàn Quốc, Nhật Bản, sau khi nhận được sự hỗ trợ và định hướng của thầy cô.
"Việc học lên cao sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho em trong tương lai", Thắng nói.