Đạo diễn Đào Bá Sơn - trưởng ban giám khảo thể loại phim truyện - cho biết tác phẩm nhận đề cử ở một số hạng mục nhưng không đạt điểm số cao nhất.
Phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khởi chiếu ngày 13/10, đến ngày 25/11, đạt doanh thu gần 140 tỷ đồng. Trong lễ bế mạc, Trấn Thành - đồng đầu tư sản xuất, diễn viên đóng bác Ba Phi Đất rừng phương Nam - không xuất hiện.
Tác phẩm cạnh tranh cùng nhiều phim, như Nhà bà Nữ (chiếu dịp Tết 2023) cũng của Trấn Thành, Người vợ cuối cùng (2023), Con Nhót mót chồng (2023), Em và Trịnh (2022), Mười: Lời nguyền trở lại (2022), Cô gái từ quá khứ (2022).
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi và bản truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, phim đan xen câu chuyện tìm người thân của bé An cùng phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp của người Nam bộ. Hôm 23/10, phim đạt mốc 100 tỷ đồng sau 10 ngày ra mắt, hòa vốn theo ước tính của nhà sản xuất.
Dù nhận chỉ trích có chi tiết "sai lệch lịch sử", tác phẩm gây ấn tượng với đại cảnh miền Tây sông nước và thông điệp về tình cảm gia đình, tình người. Bên cạnh đó, êkíp chỉnh sửa một số chi tiết vì "không muốn làm hỏng trải nghiệm của khán giả" trước lùm xùm về phim.
* Các giải thưởng hạng mục phim truyện điện ảnh
Giải cao nhất liên hoan phim - Bông Sen Vàng - thuộc về Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Tác phẩm còn là đại diện Việt Nam dự Oscar 2024 hạng mục Phim nước ngoài, chinh phục người xem bởi câu chuyện buồn về tình yêu, đồng thời gợi đời sống miền Tây. Sau bộ phim, các diễn viên như Lê Công Hoàng, Juliet Bảo Ngọc Doling được khán giả nhớ đến.
Trong bài phát biểu nhận giải, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói kỳ vọng nền sản xuất phim Việt Nam phát triển mạnh mẽ, mong muốn có sự chung tay ủng hộ của chính phủ, nhà đầu tư và các khán giả. Đạo diễn còn dành lời cảm ơn ban tổ chức, êkíp và người hâm mộ.
Ban giám khảo chấm phim và bỏ phiếu dựa trên bốn tiêu chí: Phim có nội dung, tư tưởng tốt; Ngôn ngữ điện ảnh sáng tạo, thể hiện sự tìm tòi trong cách kể chuyện; Tác phẩm phải mang tính nhân văn, hướng tới cái đẹp tâm hồn con người; Giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.
Theo ông Sơn, quá trình chấm giải có nhiều lúc căng thẳng, bất đồng ý kiến. Tuy nhiên, khi chín thành viên đi sâu phân tích các yếu tố phim dự thi, họ dần đi đến quyết định chung, mang tính đồng thuận cao. "Khoảng 90% thành viên ban giám khảo đồng ý trao giải thưởng cho tác phẩm chiến thắng", ông Sơn nói.
Ngoài Bông Sen Vàng, Tro tàn rực rỡ thắng giải Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên phụ xuất sắc và Nhạc phim xuất sắc cho phim truyện điện ảnh. Từ hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể số phận của "những con người đổ nát" (chữ của Nguyễn Ngọc Tư) trong xóm Thơm Rơm - làng chài miền Tây khốn khó.
Tác phẩm từng ghi dấu ấn ở nhiều liên hoan phim quốc tế, là phim Việt đầu tiên tranh tài ở hạng mục Competition của Liên hoan phim Tokyo 2022. Dự án thắng giải cao nhất - Montgolfière d'or (Golden Balloon) - tại Liên hoan phim Ba châu lục cuối tháng 11/2022 ở Pháp. Đầu tháng 9, phim đoạt giải cao nhất hạng mục phim điện ảnh ở lễ trao giải Cánh Diều, Bùi Thạc Chuyên đoạt giải Đạo diễn xuất sắc.
Giải Cao nguyên hùng vĩ (giải thưởng của UBND tỉnh Lâm Đồng dành cho phim có bối cảnh được quay tại Lâm Đồng) được trao cho Em và Trịnh, do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn. Tác phẩm được nhiều người đánh giá cao chất lượng hình ảnh nhờ đầu tư kỹ lưỡng. Kịch bản xây dựng cùng lúc ba chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: trải đời ở tuổi trung niên, nồng nhiệt vào thuở thanh xuân và chuộng hòa bình giữa thời bom đạn. Tác phẩm tái hiện đa dạng, sống động về không gian, bối cảnh, trải dài từ Huế, Đà Lạt đến Sài Gòn.
Ở giai đoạn nhạc sĩ lên Đà Lạt và gặp gỡ Khánh Ly, quán cà phê Tùng được phục dựng chăm chút, từ khung cửa sổ đến bảng hiệu, biển giao thông. Thời gian ông dạy học ở B'lao (Lâm Đồng), cảnh trường học mái lá đơn sơ giữa núi đồi được nhấn nhá bằng những cú đại cảnh. Đạo diễn cũng chú trọng những tiểu tiết mỹ thuật ở đạo cụ, từ vé tàu, bao thư, hộp đựng kỷ vật đến những tờ nhạc ố màu thời gian.
Các giải thưởng cá nhân được trao cho êkíp đoàn phim, như hạng mục đạo diễn, diễn viên xuất sắc. Trong đó, nổi bật là ca sĩ Bùi Lan Hương giành chiến thắng Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho phim Em và Trịnh.
Tuy nhiên, Bùi Lan Hương không có mặt trong đêm trao giải. Ca sĩ cho biết sức khỏe không tốt nên để người yêu - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - nhận giải thay. "Tôi rất vui và hạnh phúc vì được nhận giải thưởng này, nhưng có tiếc nuối vì không thể tự tay lên nhận. Hy vọng tôi sẽ nhận được nhiều vai diễn phù hợp và được khán giả đón nhận như vai diễn này", Bùi Lan Hương nói.
Ngoài hạng mục phim truyện điện ảnh, Liên hoan phim Việt Nam lần 23 còn trao giải cho ba thể loại: Phim tài liệu, khoa học, hoạt hình. Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm đoạt giải Bông Sen Vàng dành cho phim tài liệu. Nhà làm phim 31 tuổi nhận giải Đạo diễn xuất sắc. Hà Lệ Diễm lên sân khấu nhận giải với ba mẹ của nhân vật chính trong tác phẩm.
* Giải thưởng phim tài liệu, khoa học, hoạt hình
Lễ khai mạc, bế mạc và trao giải diễn ra long trọng với thảm đỏ, các tiết mục văn nghệ từ ca sĩ Hoàng Yến Chibi, Sofia. Liên hoan phim tổ chức ở Quảng trường Lâm Viên và đêm trao giải tại Dalat Opera House, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, trưởng ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, đánh giá các tác phẩm dự thi có nội dung, thể loại đa dạng, phong phú. Trong đó, nhiều phim thể hiện quan điểm, nghệ thuật thể hiện lôi cuốn, hướng tới giá trị nhân văn thông qua các nhân vật. Một số tác phẩm mô tả vẻ đẹp tâm hồn người Việt, thiên nhiên thắng cảnh. Cách sử dụng âm thanh và âm nhạc có sự đầu tư, tạo nên các tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Sự kiện diễn ra từ ngày 21 đến 25/11, chủ đề "Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn". Nhiều hội thảo về điện ảnh được tổ chức như: Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh, Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Liên hoan do Cục Điện ảnh cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hai năm một lần. Chương trình nhằm biểu dương các tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo, vinh danh nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật. Năm 2021, Mắt biếc - tác phẩm của Victor Vũ chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh - được trao giải cao nhất.
Sau Lâm Đồng, TP HCM là nơi diễn ra Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 24, đánh dấu lần thứ năm thành phố đăng cai tổ chức sự kiện.
Quế Chi