Đó có lẽ là khoảnh khắc buồn bã nhất lưu lại trong tâm trí người hâm mộ về Junnosuke Taguchi - từng là giọng ca chính, thành viên nổi bật nhất nhóm nhạc KAT-TUN (Nhật Bản). Được bảo lãnh tại ngoại, Junnosuke cho biết sẽ dừng vô thời hạn các hoạt động giải trí.
Mới đây, khi theo dõi một chương trình podcast nói về những ngôi sao từng mất cả sự nghiệp vì tai tiếng, tôi được biết Junnosuke hiện làm nhiều nghề, từ kinh doanh nhà hàng tới chơi bài chuyên nghiệp. Anh thỉnh thoảng vẫn biểu diễn, nhưng chỉ ở những sân khấu nhỏ và cũng ít ai để ý đến.
Ở những nền văn hóa nghiêm khắc với người nổi tiếng, khi phạm pháp, các ngôi sao như Junnosuke không chỉ chịu sự trừng phạt của pháp luật như mọi công dân khác, mà còn phải trả giá bằng sự quay lưng của công chúng. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là những quốc gia có cơ chế phản ứng rất mạnh với bê bối của các ngôi sao. Cơ chế này, trong một số trường hợp đến từ quy định cụ thể của các tổ chức, đơn vị quản lý nhà nước - biểu hiện qua các quyết định "phong sát" (cấm sóng, cấm hành nghề), hủy hợp đồng, từ chối hợp tác. Nhưng quan trọng và có hiệu lực mạnh hơn là sự giám sát của công chúng.
Hơn ai hết, các ngôi sao ý thức rất rõ về "Tòa án dư luận" (The Court of Public Opinion). Thuật ngữ này chỉ sự phán xét của công chúng đối với một cá nhân, tổ chức hoặc sự kiện nào đó mà không thông qua hệ thống pháp luật. Nó phản ánh cách mà truyền thông, mạng xã hội và quan điểm của số đông có thể ảnh hưởng đến danh tiếng, sự nghiệp hoặc cuộc sống của một ai đó.
Biểu hiện của tòa án dư luận là "cancel culture" ("văn hóa hủy bỏ" hay "tẩy chay") - hiện tượng xã hội trong đó một cá nhân, tổ chức hoặc thương hiệu bị cộng đồng lên án hoặc rút lại sự ủng hộ, do có hành vi, phát ngôn xúc phạm hoặc việc làm sai trái. Tôi hình dung nó như một ranh giới mong manh mà nếu vượt quá, những người nổi tiếng lập tức "tự hủy" bản thân bằng cách kích hoạt "nút tẩy chay" - một công cụ đầy quyền lực mà công chúng nắm giữ. Bill Cosby, Kevin Spacey... từng mất dần sự nghiệp vì các bê bối liên quan đến tình dục.
Đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về những thái cực của văn hóa tẩy chay. Công chúng tại một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản được đánh giá là quá hà khắc, gần như không cho người lầm lỗi một cơ hội sửa sai. Trong khi ở các nước khác, văn hóa tẩy chay hầu như không tồn tại.
Hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, tôi nhận thấy những chuyển biến tích cực trong cơ chế giám sát người nổi tiếng ở Việt Nam. Từ thái cực hâm mộ, thần tượng một chiều - người nổi tiếng nói gì cũng đúng, làm gì cũng hay - công chúng Việt Nam ngày càng biết hoài nghi, phản biện, thậm chí phản đối người nổi tiếng. Đỉnh điểm của "cảnh giới" này là chuyện "mang kẹo Kera đi kiểm tra hàm lượng chất xơ" vì nghi ngờ lối quảng cáo khoa trương của hoa hậu, KOL; hoặc mới đây là việc chỉ trích hành vi sai luật của nhóm nghệ sĩ đi dự sự kiện bằng xe cứu thương.
Tuy nhiên, trong khi phát huy vai trò giám sát người nổi tiếng, công chúng vẫn dễ dàng xí xóa cho các hành vi sai trái của họ. Trong phần lớn trường hợp, các ngôi sao dễ dàng được tha thứ chỉ bằng một lời xin lỗi.
Không chỉ tuân thủ luật pháp, người nổi tiếng - sống nhờ sự ủng hộ của công chúng, và ngược lại, có tác động ảnh hưởng lớn đến công chúng - còn cần có trách nhiệm xã hội. Điều này đảm bảo họ hành xử đúng mực, không lợi dụng danh tiếng để làm điều sai trái. Không ít ngôi sao đã trở thành những người định hình các chuẩn mực và tạo dựng nhiều xu hướng văn hóa.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Milieu Insight năm 2022, chỉ 31% người Đông Nam Á tin rằng những cá nhân đã bị tẩy chay có thể được tha thứ hoặc được phép xuất hiện lại trước công chúng. Phân biệt chủng tộc, tấn công tình dục và bạo lực thể xác là những vấn đề dễ khiến các ngôi sao bị quay lưng nhất.
Đầu tháng 3/2024, Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo Malaysia Na'im Mokhtar đã đề nghị người nổi tiếng sử dụng sức ảnh hưởng của họ vì mục đích tốt và tránh những hành động có thể gây ra định kiến. Nhờ khuyến cáo này, những người có sức ảnh hưởng tại Malaysia đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn. Một số cho biết, họ thận trọng hơn khi chia sẻ các cảm xúc tự nhiên của mình.
Tôi không ủng hộ cơ chế "phong sát" hay tẩy chay hà khắc - những biện pháp từng gián tiếp gây ra bi kịch cho người nổi tiếng, như vẫn thỉnh thoảng xảy ra ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhưng ngược lại, ở Việt Nam, cơ quan quản lý, theo tôi, cần áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn. Đặc biệt, công chúng cần tỉnh táo để sử dụng quyền lực giám sát của mình hiệu quả hơn, thay vì dễ dàng bị cuốn vào chiêu trò tầm phào của người nổi tiếng.
Nguyễn Thị Hồng Chi