Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen đã bị đình trệ, có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Liên Hợp Quốc mong muốn cả Nga và Ukraine, cùng Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng và cũng là thành viên NATO, đạt thỏa thuận về một hành lang hàng hải an toàn cho các tàu vận chuyển ngũ cốc đi qua Biển Đen.
Tuy nhiên, kế hoạch thiết lập hành lang hàng hải đã gặp nhiều trở ngại, bao gồm việc thuyết phục Nga nới phong tỏa các cảng Ukraine, đề nghị Kiev rà phá thủy lôi mà họ rải quanh các cảng, cũng như thuyết phục các công ty vận tải rằng tuyến hành lang này đủ an toàn để họ sử dụng.
Thời gian để giải phóng 25 triệu tấn ngũ cốc mắc kẹt trong các nhà kho, bến cảng Ukraine đang dần cạn. Các cảng nước này còn rất ít không gian để dự trữ ngũ cốc trước khi bước vào vụ thu hoạch tiếp theo, bắt đầu vào cuối tháng 7.
Tầm quan trọng của ngũ cốc Ukraine
Nga và Ukraine chiếm gần một phần ba nguồn cung lúa mì toàn cầu. Tầm quan trọng của lúa mì hai nước càng được thể hiện rõ sau khi Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu và Bắc Mỹ, Tây Âu gặp thời tiết bất lợi cho mùa màng.
Xung đột Ukraine kéo dài, cùng loạt lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây áp đặt lên Nga, đã khiến giá ngũ cốc, dầu ăn, phân bón và năng lượng tăng vọt. Những điều này đang làm dấy lên lo ngại xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong đó có những quốc gia ở châu Phi, Trung Đông, nơi nhập khẩu hơn một nửa lượng lúa mì từ Nga và Ukraine.
Ukraine cũng là nước xuất khẩu lượng lớn ngô, lúa mạch, dầu hướng dương và dầu hạt cải. Trong khi đó, Nga và Belarus, những nước đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, cung cấp hơn 40% lượng phân bón kali toàn cầu.
Lượng ngũ cốc mắc kẹt ở Ukraine lớn thế nào?
Ngũ cốc là một trong những nguồn thu chính của Ukraine, với tổng kim ngạch xuất khẩu là 12,2 tỷ USD năm 2021 và chiếm gần 20% lượng hàng xuất khẩu của cả nước.
Trước khi nổ ra chiến sự, Ukraine xuất khẩu 98% ngũ cốc và dầu thực vật qua Biển Đen, với khoảng 6 triệu tấn mỗi tháng. Tuy nhiên, khi các cảng Ukraine dọc Biển Đen bị phong tỏa và hệ thống đường sắt không thể đáp ứng đủ nhu cầu vận tải, nước này chỉ có thể xuất khẩu tối đa hai triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng.
Hồi tháng 5, lượng xuất khẩu ngũ cốc, dầu thực vật của Ukraine đã tăng 80% so với tháng trước đó, lên 1,74 tấn, song vẫn thấp hơn nhiều so với tháng 5/2021. Với công suất này, Ukraine có thể mất hơn một năm mới giải phóng hết số ngũ cốc đang tồn đọng, chưa tính đến số lúa mì, ngô... sắp thu hoạch.
Mỹ cáo buộc Nga biến "lương thực thành vũ khí" ở Ukraine. Điện Kremlin bác bỏ, tố phương Tây gây ra khủng hoảng lương thực bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Trong khi ngũ cốc tiếp tục mắc kẹt và có nguy cơ thối rữa ở Ukraine, giá lương thực, thực phẩm đang tăng cao trên toàn cầu, buộc các cơ quan của Liên Hợp Quốc phải cắt giảm tới nửa lượng lương thực cứu trợ cho người tị nạn ở vùng Sahel, châu Phi, do thiếu hụt kinh phí.
Kế hoạch giải phóng ngũ cốc Ukraine của LHQ
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 8/6 gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để thảo luận về kế hoạch của LHQ, nhưng không mời đại diện từ Ukraine. Ông Cavusoglu mô tả cuộc gặp "có kết quả", song vẫn cần thêm các cuộc đàm phán.
Ngoại trưởng Nga nói Ukraine cần phải giải quyết vấn đề giải phóng ngũ cốc của nước này bằng việc rà phá thủy lôi để khai thông các cảng. Nếu Kiev thực hiện động thái này, Nga sẽ đảm bảo tuyến hành lang hàng hải an toàn cho các tàu chở ngũ cốc xuất phát từ Ukraine, với sự giúp đỡ từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Kiev nói rằng họ cần được "đảm bảo an ninh" trước khi có thể bắt đầu rà phá thủy lôi để các chuyến tàu chở ngũ cốc qua Biển Đen, do lo ngại Moskva có thể lợi dụng hành lang hàng hải để đưa tàu chiến áp sát Odessa tiến hành chiến dịch đổ bộ hoặc tập kích tên lửa.
Serhiy Ivashchenko, người đứng đầu Liên minh các nhà xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, hôm 8/6 cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia sở hữu quân đội lớn thứ hai NATO và lực lượng hải quân hùng hậu, không đủ mạnh để có thể đảm bảo an ninh cho hành lang hàng hải trên Biển Đen.
Ivashchenko nói thêm có thể mất ít nhất 2-3 tháng để rà phá thủy lôi quanh các cảng Ukraine và lực lượng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, Romania nên cùng tham gia hoạt động này.
Ngay cả khi các nước đạt được thỏa thuận về hành lang hàng hải trên Biển Đen, chi phí bảo hiểm cho các chuyến tàu đi qua có thể sẽ rất cao.
Tình hình ngày càng cấp bách khi Ukraine đang thiếu kho dự trữ ngũ cốc. Theo trung tâm nghiên cứu APK-Inform, Ukraine có thể đã dùng hết 35% công suất kho chứa 61 triệu tấn cho sản lượng trong niên vụ 2021, trong khi vụ thu hoạch tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 7.
Tại sao không thể vận chuyển ngũ cốc Ukraine bằng tuyến khác?
Hệ thống đường sắt Ukraine không cùng loại với các nước láng giềng châu Âu như Ba Lan, vì vậy ngũ cốc phải được chuyển sang các chuyến tàu khác nhau ở biên giới, nơi không có nhiều phương tiện trung chuyển hoặc dự trữ.
Kiev cũng đã đẩy mạnh nỗ lực vận chuyển ngũ cốc qua cảng Constanta của Romania ở Biển Đen. Tuy nhiên, hành trình đưa ngũ cốc tới cảng Constanta rất phức tạp và tốn kém. Ukraine sẽ phải chở ngũ cốc bằng tàu hỏa đến bến cảng dọc sông Danube, chuyển hàng lên sà lan để đi men theo sông tới Constanta.
Tính tới giữa tháng 5, chỉ có khoảng 240.000 tấn ngũ cốc, chiếm 1% lượng ngũ cốc mắc kẹt ở Ukraine, được vận chuyển qua ngả này.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay với lượng lương thực cần giải phóng rất lớn, giải pháp tốt nhất là Nga dỡ phong tỏa cảng Odessa hoặc để các nước phương Tây cử tàu chiến hộ tống tàu chở ngũ cốc rời Ukraine. Tuy nhiên, ông Kuleba thừa nhận "đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn với rất nhiều rủi ro về an ninh".
Ngọc Ánh (Theo Reuters)