Quyết định rút thẻ đỏ của Horacio Elizondo truất quyền thi đấu Zinedine Zidane trong trận chung kết World Cup 2006 được xem là điểm nhấn lớn nhất trong sự nghiệp cầm còi của trọng tài người Argentina. Nó cũng minh chứng cho sự khó khăn của công việc này ngay cả đối với một trọng tài tốt nhất thế giới. Cuộc chạy đua với các cầu thủ ngôi sao chỉ bằng nửa tuổi của mình chưa bao giờ là dễ dàng với các trọng tài bóng đá.
Cuộc đua không ngừng nghỉ
Để luôn duy trì khoảng cách 18 mét với trái bóng, các trọng tài World Cup phải chạy từ 13 đến 16km mỗi trận, nhiều hơn bất cứ một cầu thủ nào trên sân. Kết quả là FIFA yêu cầu các ứng viên cho công việc này phải vượt qua một bài kiểm tra thể lực, trong đó họ phải chạy nước rút 40m trong vòng ít hơn sáu giây và hoàn thành 10 vòng chạy quanh sân điền kinh 400m với tốc độ trung bình 3 phút 20 giây mỗi km.
Một thách thức khác đối với các trọng tài bóng đá là họ gánh một khối lượng công việc lớn hơn các đồng nghiệp ở bất kỳ một môn thể thao nào khác. Ví dụ trong môn bóng rổ, NBA cần ba trọng tài trọng một sân đấu dài 28m, rộng 15m. Trong khi đó, một trọng tài bóng đá phải chịu trách nhiệm trên một sân cỏ có diện tích lớn gấp 16 sân bóng rổ. Tất cả những gì diễn ra trên sân từ các pha phạm lỗi, các tranh chấp trên sân, các tình huống tiểu xảo... đều thuộc phạm vi xử lý của họ. Sự giúp đỡ duy nhất đến từ hai trợ lý với các tình huống việt vị và phạm lỗi ở góc sân.
Sức nặng của tiếng còi
Tính chất hạn chế điểm số trong bóng đá cũng nâng cao tầm quan trọng trong mỗi quyết định của trọng tài. Việc công nhận hay từ chối một pha làm bàn có ảnh hưởng vô cùng lớn đến kết quả cuối cùng của trận đấu. Trong khi ở môn bóng rổ, các quyết định sai lầm của trọng tài thường sớm bị quên lãng thì với các trọng tài bóng đá, đặc biệt là ở World Cup, nơi mà có trung bình gần ba bàn mỗi trận, điều ấy sẽ không được cho qua một cách dễ dàng.
Trọng tài người Mỹ bắt chính ở World Cup 2002, ông Brian Hall cho biết: "Trong các môn thể thao, bóng đá là môn khó khăn nhất để làm trọng tài. Quyết định của người cầm còi có tác động quá lớn đến cuộc chơi. Có hay không một quả phạt đền? Thẻ vàng hay thẻ đỏ? Việt vị hay không việt vị? Các trọng tài luôn phải đối mặt với những điều đó. Và trong một giải đấu lớn như World Cup, sai lầm là điều không được phép xảy ra".
Nếu như ở các môn thể thao khác, việc trọng tài bị chỉ trích sau các sai lầm rồi lại được tha thứ với những quyết định chính xác thì trọng tài bóng đá ở một kỳ World Cup thậm chí phải gánh chịu những lời lăng mạ suốt cuộc đời. Sự kiện thể thao được tổ chức bốn năm một lần này luôn được xem là niềm tự hào với mỗi quốc gia tham dự. Bởi vậy, họ không chấp nhận bất cứ một sai lầm nào của người điều hành trận đấu, dù là nhỏ nhất.
Hậu quả để đời
Trong trận đấu giữa Nigeria và Bosina ở World Cup 2014, một trọng tài người New Zealand thậm chí còn bị yêu cầu giải nghệ và đe dọa đến tính mạng khi ông mắc sai lầm, từ chối một pha làm bàn của Bosina rồi bị bắt gặp ôm một cầu thủ Nigeria sau trận đấu. Điều tương tự cũng đến với trọng tài người Euador, Byron Moreno, sau khi ông này đưa ra một loạt các quyết định bất công với đội tuyển Italy trong cuộc đối đầu với chủ nhà Hàn Quốc ở World Cup 2002.
Tranh cãi của các cổ động viên ở World Cup dường như là không bao giờ kết thúc. Việc những người hâm mộ quá khích ném vật lạ vào các trọng tài, hay chửi bới và lăng mạ họ trên sân thường không mấy xa lạ ngay cả ở những giải đấu chuyên nghiệp.
Trường hợp nghiêm trọng nhất, một trọng tài ở Brazil đã bị đâm chết và chặt đầu ngay trên sân hồi tháng bảy năm ngoái ở một trận đấu nghiệp dư. Ngay cả ở Mỹ đã có hai trường hợp trọng tài bị đánh chết ở Utah và Michigan. Đó là những bằng chứng cho thấy mức độ nguy hiểm của công việc này.
"Trước các trận đấu, bạn luôn luôn có những cảm giác căng thẳng và lo lắng. Sợ phạm sai lầm, sợ bị hiểu lầm và sợ thất bại. Với cá nhân tôi, tôi luôn phải đối mặt với nỗi sợ hãi rằng mình có thể mắc sai lầm trên sân và đã phải làm việc chăm chỉ để vượt qua nó", trọng tài Elizondo cho biết.
Cả hai trọng tài Hall và Elizondo đều đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề sau các sai lầm mà họ mắc phải ở đấu trường World Cup. Thậm chí, những sai lầm đó vẫn được nhắc đi nhắc lại trước mỗi trận đấu sau này mà họ cầm còi, như một vết nhơ khó gột sạch. Đó là sự nghiệt ngã mà "các ông vua áo đen" phải chấp nhận đối mặt và chỉ bằng tình yêu với trái bóng tròn mới giúp họ vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Việt