"Ông Joe Biden đang cố ngồi lên một chiếc ghế không tồn tại", tài khoản ẩn danh @SprinterFamily viết trên X ngày 6/6, kèm theo một video ngắn về lễ kỷ niệm ngày đổ bộ Normandy ở Pháp. Trong video, ông Biden đứng giữa Đệ nhất phu nhân Jill Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông chủ Nhà Trắng hơi cúi người, dường như chuẩn bị ngồi xuống dù phía sau không có chiếc ghế nào.
Video nhanh chóng lan truyền trên X với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Những người bảo thủ có sức ảnh hưởng như nhà báo độc lập Kyle Becker hay người dẫn chương trình Jeanine Pirro cũng chia sẻ lại video.
Tuy nhiên, các hãng truyền thông lớn đã kiểm chứng và kết luận video trên đã bị chỉnh sửa, cắt ghép. Trên thực tế, ông Biden hơi ngoái lại để nhìn ghế, cúi người, khựng lại một chút khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu phát biểu rồi ngồi xuống cùng lúc với ông Macron.
Trong video được quay ở những góc cạnh khác, chiếc ghế phía sau ông Biden đôi lúc bị che khuất một phần, nhưng nhìn chung có thể thấy rõ.
Cuối tuần trước, New York Post chia sẻ video cho thấy ông Biden mất phương hướng trên sân khấu tại sự kiện gây quỹ ở California, trước khi được cựu tổng thống Barack Obama chỉ lối xuống. Video này sau đó cũng được xác định là cắt ghép.
"New York Post lại không tôn trọng chính họ cũng như độc giả của mình", phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates nói.
Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC), các kênh truyền thông bảo thủ và những người cánh tả có sức ảnh hưởng đã tận dụng những video bị cắt ghép, coi chúng là "bằng chứng" cho thấy ông Biden mất phương hướng hay "đóng băng" tại các sự kiện công khai. Nhà Trắng mô tả những video giả tạo này là sản phẩm "cắt ghép rẻ tiền" (cheap fake), chỉ trích phe Cộng hòa vì lan truyền chúng để công kích ông Biden.
"Deepfake" là âm thanh, video hay hình ảnh được tạo ra hoặc chỉnh sửa bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi đó, "cheap fake" là phương pháp chỉnh sửa rẻ tiền hơn, sử dụng bằng những phần mềm phổ biến, dễ sử dụng, hai nhà nghiên cứu Britt Paris và Joan Donovan nói với NBC News.
Do dễ thực hiện, video "cheap fake" đang khiến các trợ lý và chiến lược gia Dân chủ đau đầu tìm cách ứng phó.
Ngay cả khi là video giả, khi được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, chúng vẫn tác động đến cử tri, những người vốn đang lo ngại về vấn đề tuổi tác của ông Biden. Ông Biden, 81 tuổi, đang là tổng thống đương nhiệm già nhất lịch sử Mỹ. Ngoài ra, những video này được thiết kế để có thể dễ lan tỏa trên mạng xã hội, đồng nghĩa nhóm cử tri bận rộn có thể tiếp cận video "cheap fake" hơn là những thông tin kiểm chứng sau đó.
"Lời dối trá chạy nước rút 100 m, trong khi thông tin kiểm chứng dạo bộ thong thả trên bãi biển. Do đó, thông tin kiểm chứng sẽ không bao giờ bắt kịp và có sức ảnh hưởng tương đương", Eric Schultz, chiến lược gia đảng Dân chủ, phát ngôn viên của ông Obama, ví von.
Tuần trước, phe Cộng hòa đẩy mạnh lan truyền video có hình ảnh ông Biden "dường như mất phương hướng" tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy, trước khi được Thủ tướng chủ nhà Giorgia Meloni kéo lại. Phe Cộng hòa lan truyền video này, cho rằng Tổng thống Biden đang "nhìn vào những cái cây".
Nhưng video đầy đủ của sự kiện với góc quay rộng hơn cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang quay người để tán thưởng một vận động viên nhảy dù vừa tiếp đất. Ảnh hưởng của video lớn đến mức Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng được phóng viên đề nghị kể lại khoảnh khắc đó.
"Các vận động viên nhảy dù đều tiếp đất và ông ấy rất lịch sự. Ông ấy chỉ đang tiến đến để trò chuyện với họ", ông Sunak trả lời.
Trước đó, tài khoản @RNCResearch, bộ phận nghiên cứu của RNC, đăng video ông Biden đứng yên, gần như không thay đổi tư thế và biểu cảm trong khi mọi người xung quanh nhún nhảy theo nhạc tại một sự kiện âm nhạc ở Nhà Trắng hôm 10/6, cho rằng Tổng thống Mỹ gặp vấn đề về sức khỏe.
"Tổng thống đứng đó để nghe nhạc và không nhảy. Tôi không biết rằng không nhảy cũng là một vấn đề sức khỏe đấy!", thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 17/6 nói về video. Tổng thống Biden từng nói ông không phải một người nhảy giỏi, và cũng chỉ nhún nhảy một chút tại lễ nhậm chức năm 2021.
Phe Cộng hòa không giải thích hay đính chính về những video có hình ảnh ông Biden mà họ chia sẻ, ngay cả sau khi chúng đã được xác định là thông tin giả.
"Chúng tôi không tạo ra những video đó. Đây là hình ảnh ông Biden theo thời gian thực. Chúng tôi chỉ chia sẻ để thế giới cùng xem", Karoline Leavitt, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Donald Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Khi được hỏi về vụ "chiếc ghế vô hình", bà Leavitt cho biết "bản thân các video đã thể hiện tất cả".
"Dùng từ 'cheap fake' là thái quá", theo Leavitt. "Không có gì rẻ tiền hay giả tạo ở những video đó. Chúng đều là video thật, về những hành động kỳ quặc của ông Biden. Và chiến lược của đội ngũ tranh cử của ông Biden là thuyết phục mọi người không tin vào mắt họ".
Các nguồn thạo tin cho biết đội ngũ của ông Biden đang xử lý các video giả tạo theo hai hướng. Thứ nhất, họ sẽ cố gắng hạn chế sự xuất hiện của chúng trên mạng xã hội như X hay mạng lưới truyền thông bảo thủ, từ đó giảm thiểu khả năng truyền thông chính thống đưa tin.
Nhà Trắng và đội ngũ của ông Biden cũng sẽ đẩy mạnh kiểm chứng thông tin, nhanh chóng đăng video đầy đủ với bối cảnh đúng và kêu gọi truyền thông đưa tin, ngăn tin giả lan truyền.
"Những gì chúng tôi có thể làm là nỗ lực hết mình để kiểm chứng thông tin rồi lan tỏa thông tin đúng", một quan chức trong chiến dịch tranh cử của ông Biden nói. "Tin giả có ảnh hưởng đến cử tri độc lập không? Có, và đó là điều chúng tôi đang cố đối phó".
Hướng thứ hai là phe Dân chủ tăng cường công kích ông Trump trên Internet, chủ động đăng những video cựu tổng thống có bình luận hay hành động khó hiểu, dễ lên xu hướng. Một tình huống họ có thể nhắm đến là ông Trump nhớ nhầm tên bác sĩ Nhà Trắng đã thực hiện bài kiểm tra nhận thức cho ông, khi khoe năng lực trí tuệ của mình tại buổi vận động cử tri ở bang Michigan ngày 15/6.
Như Tâm (Theo NBC News, Washington Post)