Ông Osius hôm qua có cuộc phỏng vấn báo chí về những kỳ vọng trong nhiệm kỳ ở Việt Nam cũng như các chính sách và biện pháp đi kèm.
- Các mục tiêu ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ đại sứ tại Việt Nam là gì?
- Có 5 điểm chính. Thứ nhất là củng cố mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Thứ hai là củng cố mối quan hệ trong lĩnh vực quản lý xã hội. Thứ ba là củng cố mối quan hệ về an ninh. Thứ tư là thúc đẩy phát triển giáo dục. Thứ năm là thúc đẩy phát triển y tế, môi trường và khoa học kỹ thuật.
- Ông sẽ làm gì để những mục tiêu đó đạt được trong thời gian tới?
- Có hai lĩnh vực trong mối quan hệ chung, giữa người dân với người dân và chính phủ với chính phủ. Hiện có 16.500 sinh viên Việt Nam ở Mỹ. Chúng ta có 20 năm lịch sử hợp tác giáo dục từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Chúng tôi muốn hỗ trợ xây dựng trường đại học tại TP HCM với tên gọi là Đại học Fulbright. Quốc hội Mỹ đã quyết định đầu tư vào trường đại học này và các bạn có thể thấy thái độ nghiêm túc của chúng tôi. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân người Mỹ lẫn Việt Nam cũng sẵn sàng đầu tư vào dự án này. Tôi tin rằng điều này sẽ thúc đẩy việc hợp tác giáo dục giữa hai nước và làm vững mạnh hơn mối quan hệ Việt - Mỹ.
Chúng ta cũng phối hợp cùng nhau trong lĩnh vực y tế, môi trường, khoa học kỹ thuật, thể hiện qua việc các nhà nghiên cứu chuyên ngành cùng trao đổi kinh nghiệm với nhau. Chúng ta có tài sản lớn là hơn hai triệu người Mỹ gốc Việt. Họ là nguồn lực dồi dào để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Về quan hệ kinh tế chúng ta có TPP, đó là (mối quan tâm) số một. Tôi cũng muốn nhắc đến ý tưởng về đường bay trực tiếp. Nếu chúng ta có các chuyến bay thẳng từ TPHCM và Los Angeles chẳng hạn, các doanh nhân và khách du lịch, các sinh viên và nhà khoa học, tất thảy sẽ di chuyển dễ hơn. Vì thế tôi cam kết sẽ đầu tư thời gian và công sức để thảo luận với phía Việt Nam trong vấn đề này.
Chính phủ hai nước cũng đã quyết định đẩy mạnh mối quan hệ về an ninh và dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Ngoài ra còn có vấn đề thực thi pháp luật. Chúng ta đang hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực nhân đạo, cứu trợ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Có nhiều tiềm năng để chúng ta làm việc trong lĩnh vực xã hội, nâng cao sự tôn trọng pháp luật và quyền con người, tôn trọng sự đối thoại, sự minh bạch trong quản lý xã hội. Chúng ta có cơ hội rất lớn để đẩy mạnh mối quan hệ trong những lĩnh vực này.
Tổng thống Obama cử tôi đến đây vì ông biết tôi là người bạn của Việt Nam. Tôi đến đây để xóa bỏ những rào cản trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.
- Mỹ sẽ làm thế nào để góp phần duy trì hòa bình trên Biển Đông?
- Chúng tôi đã đưa ra những báo cáo cho nhiều vùng trên thế giới, bao gồm tất cả những nơi có vấn đề phức tạp về lãnh thổ cần được giải quyết. Tôi nghĩ cần phải giải thích chiến lược của Mỹ ở khu vực này có ba phần. Thứ nhất là tiếp tục duy trì sự có mặt của hải quân Mỹ.
Thứ hai là tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế để giải quyết những xung đột về lãnh thổ một cách hòa bình trên Biển Đông. Người Mỹ không đứng về bất cứ bên nào nhưng quan tâm đến tiến trình gìn giữ hòa bình. Chúng tôi không muốn các nước có những hành động đơn phương, đe dọa hoặc thậm chí tệ hơn là dùng vũ lực để củng cố quan điểm của họ. Chúng tôi mong muốn các nước tôn trọng và hành động theo luật pháp quốc tế.
Thứ ba là Mỹ cam kết tăng cường và hỗ trợ tăng cường năng lực cho các đồng minh trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Australia. Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam cũng dần trở thành đối tác quan trọng của chúng tôi. Với những đối tác này, đặc biệt là Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tăng cường khả năng của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Chúng tôi làm như vậy vì chúng tôi muốn thiết lập tự do hàng hải. 238 năm từ khi nước Mỹ được thành lập thì tự do hàng hải là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của chúng tôi. Những năm gần đây chúng tôi quan tâm nhiều đến tự do hàng không. Vì vậy nếu chúng tôi có thể giúp đỡ được các đối tác của mình tăng cường khả năng phòng vệ trong lĩnh vực hàng hải và hàng không thì chúng tôi sẵn sàng làm điều đó.
- Nếu phải chọn giữa mối quan hệ với Trung Quốc và các nước thì ông chọn ai?
- Chúng tôi không lựa chọn. Bởi lẽ mối quan hệ với Trung Quốc được thể hiện qua rất nhiều mặt. Đây là mối quan hệ phức tạp. Chúng tôi có quan hệ thương mại vững mạnh và đối thoại trên nhiều lĩnh vực với Trung Quốc, bao gồm cả hợp tác và cạnh tranh. Tuy nhiên đây không phải là mối quan hệ loại trừ một bên. Chúng ta sẽ không bao giờ yêu cầu một nước lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nước trong khu vực có thể có mối quan hệ chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc. Một nước Trung Quốc thịnh vượng và ổn định nằm trong lợi ích của Mỹ và tất cả các nước trong khu vực.
- Mục tiêu của ông là muốn Mỹ trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Vậy theo ông thì bao lâu sẽ đạt được điều đó và Mỹ sẽ làm như thế nào khi chưa có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
- Điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi rất tự tin về TPP và hiện giờ tôi tự tin hơn vài tháng trước đây. Vừa qua có cuộc họp song phương ở Hà Nội và đã đạt kết quả khả quan. Tôi nhận thấy có sự cam kết của Việt Nam và những nhà lãnh đạo Mỹ cũng có những cam kết về hiệp định này. Tôi tự tin rằng trong vài tháng sắp tới Việt Nam và Mỹ có thể thỏa thuận xong TPP và mùa xuân tới nó sẽ được đưa ra Quốc hội Mỹ. Chúng tôi hy vọng sẽ có sự bỏ phiếu về vấn đề này vào mùa hè. Vì vậy tôi rất lạc quan về TPP. Còn về câu hỏi bao lâu Mỹ đạt được mục tiêu tôi cho rằng điều này phụ thuộc vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.
- Là một trong những người đầu tiên đến Việt Nam để thúc đẩy quan hệ song phương từ năm 1995, kinh nghiệm sẽ giúp ích như thế nào cho ông trong những năm tới?
- Những kinh nghiệm đó giúp ích rất nhiều. Tôi có tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam. Tôi học tiếng Việt từ khi còn trẻ nên tôi có thể nói và hiểu được tiếng Việt dù rằng tôi vẫn cần phải tiếp tục học vì tiếng Việt không dễ dàng. Trước đây tôi có cơ hội làm bạn với rất nhiều người Việt và tôi đã đi du lịch ở khắp mọi nơi, đến rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Bây giờ, với cương vị là đại sứ tôi có sự hiểu biết cơ bản về Việt Nam và mọi người biết là tôi quan tâm, tôn trọng văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, con người Việt Nam. Điều đó giúp tôi nhập cuộc tốt và thuận lợi trong việc thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam và Mỹ.
- Có điều gì ấn tượng nhất với ông khi trở lại Việt Nam?
- Tôi từng đến TPHCM nhiều lần trong 20 năm qua, và tôi luôn ngạc nhiên bởi sự năng động của thành phố. Tôi luôn ngạc nhiên trước sự mới mẻ, phát triển cùng niềm hân hoan và năng lượng trong con người ở TPHCM. Tôi cũng thấy như vậy ở Hà Nội. Sự năng động trong các bạn quả là lớn, đặt biệt ở các bạn trẻ, và mỗi một lần tôi đến Việt Nam, tôi lại thấy các bạn thịnh vượng hơn lần trước. Có một nhà ga mới ở sân bay Nội Bài, một con đường cao tốc nối với sân bay. Hạ tầng ngày càng tốt hơn, và cửa hàng cửa hiệu trông phong phú hơn.
Năng lượng của các bạn tỏa ra thật nhiều, trên thực tế và trên mạng. Mọi người đang trao đổi ý kiến qua Internet theo cách chưa từng có trước kia. Điều đó cho tôi thấy những người trẻ ở đây có nhiều hy vọng và có kỳ vọng cao về tương lai.
Thực tế ở Việt Nam khiến tôi ngạc nhiên và vui thích, bởi cũng như nhiều người Mỹ, như Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, chúng tôi mong muốn Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng luật pháp và quyền con người. Chúng tôi muốn Việt Nam thành công, và nay khi trở lại đây, tôi cảm nhận được sức mạnh có thể đưa tới thành công của các bạn.
Vũ Lê