![]() |
Công nhân Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập Đảng. |
Nằm giữa những ngọn núi, với dân số 140.000 người, Diên An là một thành phố cao nguyên nghèo, nhưng tự hào được là căn cứ của cách mạng trong thời gian từ năm 1937 đến năm 1947. Mỗi năm, có hơn 1 triệu người Trung Quốc đến đây thăm hang núi Mao Trạch Đông từng ở, ngắm chiếc bàn viết mà ông đã dùng để tạo ra một số lớn các bài viết trong Mao tuyển.
Và người dân địa phương cũng không giấu vẻ tự hào khi nói đến “tinh thần Diên An” – tính can đảm, bền bỉ. Đó chính là một trong những yếu tố giúp Mao Trạch Đông và các đồng chí của ông, từ thế yếu so với Quốc dân đảng vào năm 1935, trở thành một lực lượng lớn mạnh, tiến lên giành chính quyền, thống nhất toàn Trung Quốc vào năm 1949. Zhang Jianru, cán bộ tuyên huấn ở Diên An, nói: “Tôi tóm tắt tinh thần Diên An bằng 4 chữ: đấu tranh - gian khổ”.
Câu nói mà du khách sẽ được nghe nhiều nhất khi đến Diên An giờ đây là khẩu hiệu “xây dựng kinh tế” và “phát triển miền Tây” - chiến lược của Trung Quốc nhằm giúp các thành phố ở vùng sâu vượt qua đói nghèo.
Vào những năm tháng gian khổ của cách mạng, Diên An có điều kiện kinh tế không thuận lợi - nằm sâu trong nội địa, xa xôi về địa lý, dân trí thấp kém… Tất cả khiến Diên An là một trong những địa phương nghèo nhất ở Trung Quốc thời kỳ ấy. Nhưng đó cũng là cơ sở để mảnh đất trở thành một căn cứ lý tưởng cho cuộc cách mạng của nhân dân.
Người địa phương nhớ lại rằng vào năm 1973, Thủ tướng Chu Ân Lai trở lại Diên An lần đầu tiên kể từ năm 1949, và đã bật khóc khi chứng kiến cảnh các cán bộ cũ vẫn phải sống trong đói nghèo. Khi trở về, ông bắt tay thực hiện ngay một chương trình tài trợ cho những địa phương từng là căn cứ cách mạng. Người Diên An, với tinh thần “đấu tranh - gian khổ” truyền thống, đã nhanh chóng vùng lên chiến đấu với “giặc đói”. Cách đây chưa đầy 10 năm, người ta phải mất 48 tiếng để đi 300 km từ Diên An đến Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây. Bây giờ thì đi lại giữa Tây An và Diên An chỉ mất 6 giờ. Mỗi tuần, Diên An có 4 chuyến bay đến Bắc Kinh.
Tất nhiên, so với tiêu chuẩn thành phố lớn, Diên An vẫn chỉ là một “nàng công chúa ngủ”. Nhưng được sự tài trợ của chính quyền trung ương và địa phương, thành phố đang bùng nổ xây dựng, bắt đầu mang dáng dấp hiện đại. Ai mà tưởng tượng được rằng mảnh đất cao nguyên đói nghèo năm xưa, nay lại có những phòng trà, câu lạc bộ và đặc biệt, hàng chục quán cà phê Internet. “Chỉ mất khoảng 3 quan (0,36 USD) một giờ, thanh niên chỗ chúng tôi có thể liên hệ với cả thế giới bên ngoài ” – ông Zhang tự hào cho biết. Chính quyền thành phố khẳng định: “Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh các bạn đóng góp những ý kiến quý báu cho tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, từ tài chính, công nghiệp, đến khoa học và công nghệ v.v. Các bạn hãy tới mảnh đất này để đầu tư, phát triển công nghiệp, từ đó đưa thành phố đến vị trí ngày càng thịnh vượng hơn trong thế kỷ mới”. Tất nhiên, cơn gió hiện đại tràn vào không thể không kéo theo cái xấu: Bên cạnh những quán cà phê Internet, vẫn còn đó những hộp đêm, quán đèn mờ... - chốn ăn chơi trụy lạc của cánh thanh niên hư và người mới giàu.
...
Hãy thử đề nghị các đảng viên ở Diên An nói về mối quan tâm lớn nhất của họ về sau này, và câu chuyện sẽ lại quay về vấn đề phát triển kinh tế.
“Ước vọng lớn nhất của tôi là Đảng có thể xây dựng đất nước thành một siêu cường kinh tế”, ông Shi Rui, 72 tuổi, cán bộ về hưu, nói.
Shi Rui có thể tự hào và tin tưởng vào thế hệ sau của mình. Con trai ông đã theo cha trở thành một đảng viên của Đảng bộ Diên An. Nhưng người cán bộ già cũng bày tỏ sự lo ngại về nạn tham nhũng và khoảng cách lớn giữa người thành phố khá giả và nông dân nghèo, mà nông dân lại là một trong những nhân tố làm nên cuộc cách mạng của Trung Quốc.
“Nền nông nghiệp của chúng tôi từng rất lạc hậu, nhưng sau 3 thế hệ cách mạng, nông dân đã có cái ăn cái mặc. Tất nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Chưa thể nào đủ được”, Shi Rui nói.
Đoan Trang (theo SCMP)