Kế hoạch này được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong sự kiện ITU Digital World 2021 tối 12/10. Buổi thảo luận bàn về các giải pháp để tăng tốc chuyển đổi số. Trong đó, tạo điều kiện để người dân có thể truy cập Internet là một trong những yếu tố tiên quyết cho quá trình này.
Theo Bộ trưởng, đến năm 2023, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G. "Chính phủ và các nhà mạng sẽ trợ giá thiết bị 4G cho những người dùng 2G còn lại, chiếm dưới 5%", ông Hùng nói. "Có nghĩa từ năm 2023, 100% người dùng di động tại Việt Nam sẽ sẵn sàng sử dụng Internet".
Theo số liệu của Cục Viễn thông đến cuối năm 2020, Việt Nam có 24 triệu thuê bao 2G trên tổng số 130 triệu thuê bao đi động. Trong 24 triệu thuê bao này có những số được sử dụng cho máy phụ thứ hai của người dùng đã có smartphone. Ước tính còn khoảng 12,4 triệu người chỉ sử dụng duy nhất một điện thoại "cục gạch" và là những người cần hỗ trợ để chuyển sang điện thoại 4G. Con số này trong 2 năm tới dự kiến có thể giảm xuống còn 5-7 triệu, tức chiếm khoảng 5%.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh về vai trò của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong chuyển đổi số, đặc biệt là kết nối 5G. Ông cho biết, trong giai đoạn đầu tiên của 5G, Việt Nam triển khai giải pháp là mỗi nhà mạng trong số bốn nhà mạng sẽ phủ sóng 25% đất nước và thực hiện roaming. Cách làm này được nhận định sẽ giúp giảm chi phí đầu tư.
Tại hội nghị, ông Houlin Zhao, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU đánh giá Việt Nam là một mô hình đáng chú ý để các quốc gia trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm.
Ông Zhao cho biết, một nửa thế giới đã được kết nối nhờ công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, nửa còn lại cũng cần được kết nối. Việt Nam đã chung tay cùng nhiều nước ở châu Á, châu Phi và Mỹ - Latinh trong việc phát triển ngành viễn thông, dù đó là những nơi thu được ít lợi nhuận và thường bị các nhà đầu tư khác bỏ qua.
"Tôi đánh giá cao cách làm của Việt Nam và mong Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với các quốc gia khác", Tổng thư ký ITU nói.
Lưu Quý