Cửa xe cửa mở toang, động cơ đang chạy, điện thoại và ví tiền của con vẫn còn trên băng ghế trước. Tuy nhiên, ông không thấy Shari Faye Smith. Đó là buổi chiều cuối cùng tháng 5/1985, Shari rời bữa tiệc để trở về nhà tại Lexington, Kentucky.
Nỗi lo ập đến bởi Shari mắc căn bệnh tiểu đường, không lẽ nào cô bỏ nhà đi mà không mang theo thuốc bên người? Sự việc được báo tới Sở cảnh sát hạt Lexington.
Tại hiện trường, cảnh sát phát hiện ra các dấu chân quanh hòm thư nên phỏng đoán cô khỏi xe lấy thư và bị bắt cóc. Do gia đình cô giàu có, sự việc ban đầu được nhận định là bắt cóc tống tiền.
Sau ba ngày, chiếc điện thoại trong nhà ông Bob bất ngờ đổ chuông. Giọng một người đàn ông gọi tới tỏ vẻ xin lỗi vì đã bắt Shari. Để khiến gia đình tin tưởng, anh ta còn miêu tả lại bộ đồ mà cô mặc. Hắn nói mình và Shari rất "tâm đầu ý hợp". Cô đang được chăm sóc kỹ lưỡng và đang xem truyền hình nên không thể nghe điện thoại.
Sáng hôm sau, cảnh sát thấy bức thư gửi qua đường bưu điện đến gia đình ông Bob. Trên hai tờ giấy màu vàng là những dòng chữ được cho do Shari viết với tiêu đề: "Di chúc và nguyện ước cuối cùng". Đầu thư, Shari bày tỏ sự kính trọng tới hai đấng sinh thành và tình yêu to lớn cô dành cho họ. Ước nguyện của nữ sinh 17 tuổi là những ai ở quanh cô sẽ thôi đau buồn vì sự ra đi vĩnh viễn của mình.
Tại đám tang của mình, cô mong được đặt trong cỗ quan tài kín, không để cho ai nhìn thấy. Ngày tiếp theo, kẻ bắt cóc lại gọi điện đề nghị gia đình và phía cảnh sát dừng cuộc tìm kiếm. Hắn khẳng định nạn nhân vẫn khỏe mạnh bình thường.
Với thông báo trên, ông Bob có thêm hy vọng được nhìn thấy con gái còn sống quay về.
Ngày thứ năm kể từ khi Shari mất tích, tên bắt cóc gọi cho bà Bob. Lần này, bỗng dưng hắn nói cảm thấy thích thú với chị gái của Shari. Đến sáng ngày kế tiếp, gã gọi thêm một lần nữa và đưa ra địa chỉ mà Shari sẽ được thả. Thế nhưng, mọi hy vọng của gia đình Smith đã sụp đổ hoàn toàn. Khi cảnh sát đến chỉ tìm thấy thi thể của cô ở sân sau. Theo khám nghiệm tử thi, Shari chết vì ngạt thở.
Sau đám tang của Shari, kẻ giấu mặt vẫn tiếp tục điện thách thức gia đình nạn nhân và cảnh sát. Hắn kể lại quá trình dùng súng uy hiếp, bắt cóc, cưỡng hiếp và cuốn băng dính khiến Shari ngạt thở.
Phân tích các cuộc gọi, cảnh sát đánh giá chất giọng khá thô và trầm này thuộc về người đàn ông trẻ, có học thức. Do giọng nói đã bị bóp méo bằng thiết bị điều chỉnh tốc độ âm thanh, cảnh sát kết luận rằng người này có khả năng hiểu biết về lĩnh vực điện tử.
Với cuộc gọi thứ hai, cảnh sát đã lần ra được địa điểm là một buồng điện thoại công cộng ở gần hiệu thuốc trung tâm Lexington. Do công nghệ những năm 1980 còn nhiều hạn chế, phải mất ít nhất 15 phút sau, cảnh sát mới đến nơi nên kẻ bắt cóc đã không còn ở đó.
Từ những cuộc gọi, thám tử điều tra vụ án cho rằng tên giết người đã cố tình kéo dài thời gian, khiến thi thể của Shari bị phân hủy. Việc này nhằm xóa đi các bằng chứng, gây khó dễ cho quá trình điều tra. Với manh mối từ bức thư viết tay của Shari, các điều tra viên đã nhờ đến phòng điều tra tội phạm vùng South Carolina làm rõ. Tuy nhiên, một lần nữa vụ án đi vào ngõ cụt. Các thám tử ở đây cũng không thể tìm ra dấu vết nào khác liên quan đến hung thủ.
Ngày 14/6/1985, vài tuần sau cái chết của Shari, tên sát nhân lại gọi đến nhà ông Bob, nói tên của một nạn nhân khác là Debra May Helmick.
Cảnh sát nhanh chóng tìm ra địa chỉ của gia đình bé gái 10 tuổi này. Theo lời của hàng xóm, họ thấy một chiếc xe lạ bất ngờ dừng khi Debra đang chơi cùng các bạn. Một đàn ông đã đưa Debra lên ôtô giữa ban ngày.
Cũng như vụ án trước, kẻ giết người thông báo cho cảnh sát các chỉ dẫn vô cùng cụ thể. Việc này nhằm đưa họ tới địa điểm đặt xác nạn nhân, đã phân hủy nhiều ngày. Do gia đình bé Debra không có điện thoại, vụ án này không có manh mối.
Khi việc điều tra đang rơi vào bế tắc, Mickey Dawn, người chịu trách nhiệm điều tra tại Phòng điều tra tội phạm South Carolina bất ngờ nảy sinh một ý tưởng mới. Ông nhận ra rằng bức thư của Shari được viết trên giấy ghi nhớ và có một số chữ bị in đè của tờ giấy trước.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình, nhóm điều tra sau đó đã tìm thấy những manh mối hết sức khả quan. Kết quả thu được là một vài ký tự gần giống như số điện thoại. Trong đó có một số điện thoại nhìn thấy rõ nhất với 9 trong 10 con số, còn số cuối cùng không nhìn thấy rõ
Các điều tra viên đã gọi lần lượt cho 10 số điện thoại với đuôi thay đổi từ 0 đến 9 và hỏi người nghe điện thoại có người quen ở South Carolina không. Trong số đó có một người nói rằng anh có bố và mẹ sống ở South Carolina, cách ngôi nhà của gia đình Shari chỉ khoảng 24 km. Bố anh là Ellis Sheppard, 50 tuổi, kỹ sư điện. Lịch sử cuộc gọi chỉ ra rằng một số cuộc gọi đến nhà ông Bob sau khi Shari bị bắt cóc được gọi từ nhà Ellis. Ngay lập tức, cảnh sát thẩm vấn ông Ellis.
Theo điều tra cho thấy, lúc này, vợ chồng nhà Ellis đang đi du lịch xa, người con trai đang phục vụ trong quân ngũ nên đó được xem là chứng cứ ngoại phạm. Vậy ai đã dùng điện thoại của ông Ellis để gọi sang nhà Bob trong khoảng thời gian Shari mất tích?
Người bị tình nghi là Larry Gene Bell, thợ sửa dây điện làm việc trong xưởng của ông Ellis. Hắn nhận việc trông coi nhà cửa trong 6 tuần khi ông bà Ellis đi nghỉ lễ. Trước khi đi, ông Ellis đã ghi lại cho Larry những số điện thoại có thể cần trong trường hợp khẩn cấp, trong đó có số của con trai.
Chữ trên mẩu giấy hoàn toàn trùng khớp với các kí tự hằn lên trên bức thư của Shari. Điều này chứng tỏ rằng cô đã dùng tờ giấy ngay dưới tờ danh sách số điện thoại mà ông Ellis đã viết. Tại nhà của ông bà Ellis, cảnh sát đã tìm thấy sáu sợi tóc vàng trong nhà tắm mà các nhà phân tích đã cho biết chúng tương tự với tóc của Shari.
Ngoài ra, tem dán trên bức thư gửi qua bưu điện đến nhà Bob cùng loại với tem trong ngăn kéo tủ của ông Ellis. Vào ngày 27/6/1985, 28 ngày sau khi bắt cóc và giết Shari, Larry bị bắt nhưng phủ nhận các cáo buộc bắt cóc và giết người.
Larry được biết đến là người điềm đạm và ăn nói rất nhỏ nhẹ. Hắn từng gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến vào năm 1970, nhưng chưa đầy một năm thì xuất ngũ do chấn thương đầu gối khi vô tình tự bắn mình lúc lau súng. Đúng như dự đoán, trong quá khứ, Larry từng gặp nhiều rắc rối liên quan đến quấy rối phụ nữ. Hắn ta từng lạm dụng tình dục một người họ hàng khi còn niên thiếu.
Trong nhiều phiên tòa diễn ra sau đó, Larry luôn tỏ ra cứng đầu và chưa bao giờ thú nhận các cáo buộc liên quan đến cái chết của Shari. Với nhiều bằng chứng rõ rang, tòa tuyên Larry phạm tội Bắt cóc, Giết người cấp độ một và phạt án tử hình bằng ghế điện vào ngày 4/10/1996.
Vụ án bé Debra, công tố viên không đủ bằng chứng để kết tội hắn.
Hoàng Phong (Theo Murderpedia, Talk Murder With Me)