Ai cũng đã từng có tuổi thơ. Dù cho tuổi thơ ấy có êm đềm hay dữ dội thì chắc hiếm có ai quên được trò chơi quen thuộc, gắn bó với tuổi thơ. Tôi cũng vậy!
Với tôi, một người đã xa quê, lập nghiệp hơn mười năm nơi đất khách quê người thì quê hương trong tôi vẫn là những ký ức êm đềm thời thơ ấu. Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, người dân quanh năm lo việc ruộng đồng. Bố tôi là bộ đội, mẹ là nông dân, nên gia đình cũng thuộc loại nghèo ở làng. Bọn trẻ con chúng tôi vì bố mẹ phải lo làm ăn nên cũng không được quan tâm, chăm sóc chu đáo như bây giờ. Đứa nào có cơm ăn, áo mặc là đã coi như may mắn lắm rồi chứ đừng nói đến việc mua đồ chơi. Vì vậy mà đồ chơi của chúng tôi cũng hết sức “đặc biệt”, đó là những gì có xung quanh chúng tôi.
Chơi ô ăn quan, chúng tôi đi lượm những viên đá nhỏ, hay miếng sành bát vỡ về kẻ ô rồi chơi. Chơi cù thì mấy đứa con trai đi tìm những đoạn gỗ ổi, gỗ găng về đẽo, mài nhẵn rồi đóng đinh ở giữa cho quay. Chơi đi chợ đã có lá dâu, lá dâm bụt… làm tiền. Hàng bán thường là miếng sành có hình hoa văn, mấy quả xoan rụng hay mấy loại quả hái được trong vườn. Còn nếu không có đồ chơi thì chúng tôi kẻ ô để chơi đánh đáo, trốn tìm… Vậy mà trò nào cũng vui. Nhưng có lẽ trò mà tôi thấy vui nhất chính là trò chăn trâu, kéo gỗ.
Hồi đó quê tôi nhà nào cũng có một, hai cây dừa nên khi mùa hè đến, gió to làm những cành dừa khô rụng xuống. Chúng tôi tận dụng nó làm bè kéo. Cả lũ chụm đầu lại oẳn tù tì coi đứa nào bét sẽ phải làm trâu, kéo gỗ hay bị dắt đi ăn cỏ. Lần đó, tôi bị thua nên bị buộc một sợi dây chuối to vào tay rồi các bạn thi nhau dắt tôi đi “ăn cỏ”. Dắt xong, mấy bạn bảo tôi đi kéo gỗ vì đã ăn no. Hai, ba bạn ngồi lên cành dừa để tôi túm vào cuối cành lôi đi. Cứ thế vừa đi các bạn vừa lấy chân đẩy giùm tôi để tôi kéo cho dễ. Đang kéo, thì có bạn bảo tôi phải chạy nhanh để về chuồng. Thế là tôi lấy hết sức mình vừa kéo vừa phi nhanh. Các bạn thấy tôi vậy liền thương nên đứng hết dậy để tôi kéo cho nhẹ. Ai dè tôi cứ cắm cổ chạy nên bị mất đà, ngã sấp xuống đường, không bò dậy nổi. Các bạn cuống quýt chạy lại gọi tôi, may có mấy bác đang ngồi hóng mát nên lại hô hấp cho tôi thở lại, đúng là một vụ hú hồn.
Thế mà, ngày hôm sau tôi vẫn chưa chừa. Lần này tôi vẫn làm trâu nhưng người ngồi là đứa em trai thứ hai của tôi, mới được hơn hai tuổi. Nó rất mập nên tôi để nó lên tàu dừa rồi túm kéo ra đường lớn. Nó thích lắm, vỗ tay, cười tươi. Tôi khoái chí liền kéo em chạy ra một quãng đường dài, đúng lúc các anh chị lùa đàn trâu bò về nhà. Sợ trâu bò chạy vào em, tôi cuống quýt lôi tàu dừa chạy một mạch về nhà. Thấy tôi hoảng hốt lao vào sân, bố tôi hỏi: “Có chuyện gì thế? Em đâu con?”. Tôi quay lại nhìn em ở trên tàu dừa mới giật mình vì không thấy nó đâu. Tôi chết điếng người, chỉ còn biết lắp bắp chỉ tay ra cổng. Bố hiểu ý, vội vàng chạy ra thì thấy đàn trâu bò đang đi về nườm nượp. May mà bố nhìn thấy em đang ngồi giữa đường nên vội bế em lên. Em khóc thét hoảng sợ. Sau đó thì tôi bị bố đánh cho một trận và từ bỏ không dám chơi trò này nữa.
Tuy vậy, giờ đây tôi vẫn thấy nó rất hấp dẫn mỗi khi nhớ lại. Đó là trò chơi quen thuộc trong ký ức của mỗi đứa trẻ thôn quê nơi tôi ở. Mỗi khi nhìn thấy lũ trẻ chơi đùa thì hình ảnh mặt cắt không còn giọt máu nào lại hiện về trong tôi. Tôi chợt mỉm cười và nhớ quê nhiều lắm.
Trần Văn Đường