Sách tái hiện cuộc đời hội họa của Trịnh Lữ với các tác phẩm cũ và mới từ năm 1963 đến nay. Ông chọn tranh theo mảng đề tài, gồm chân dung, tĩnh vật và phong cảnh. Sách do ông tự thiết kế và chú thích, cùng lời tựa do họa sĩ Phan Cẩm Thượng và điêu khắc gia Đào Châu Hải viết.
Họa sĩ lý giải tên sách: "Cái mình vẽ chính là cách mình nhìn, cảm thấy, và do đó chính là con người mình. Thành ra, vẽ ngoại cảnh cũng thực là vẽ thế giới nội tâm và vẽ chính mình". Tác giả ví von việc ra sách là cách ông mời bạn đọc đến nhà dùng trà, ngắm tranh, tâm tình về những câu chuyện quanh các tác phẩm. Trong ấn phẩm, ông cũng kể về con đường sáng tác, từ những tháng ngày ham vẽ hơn ham học tích phân, hàm số đến hiện tại, ở độ tuổi ngoài 70.
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải đánh giá Trịnh Lữ là họa sĩ có ngôn ngữ biểu hiện tinh tế trong kỹ thuật thể hiện trạng thái tâm lý con người, cảnh vật thiên nhiên. Ông thường theo đuổi lối vẽ trực họa. Ông vẽ chân dung con người, phong cảnh thiên nhiên, tĩnh vật đặc tả, các loại hoa và những vật dụng thường thấy trong cuộc sống hằng ngày. Vật liệu sử dụng trong tranh của ông chủ yếu là mầu nước, phấn mầu, sơn dầu.
Đào Châu Hải nói: "Trịnh Lữ vẽ, trước tiên là để cho mình. Ông kể lại trung thực những gì ông cảm thấy, quan sát thấy về cuộc sống mà ông đã và đang trải nghiệm. Trịnh Lữ là mẫu người duy mỹ đặc biệt mà tôi được biết". Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhận xét Trịnh Lữ "vẽ ít nhất 50 năm qua, mà dường như bút pháp vẫn thế, được định hình ngay từ đầu, nét bút không già đi theo năm tháng".
Ngoài ra mắt sách, ông còn tổ chức một triển lãm từ ngày 4 đến 11/1 ở Hà Nội. Tranh được trưng bày theo ba mảng chính: phong cảnh, chân dung, tĩnh vật theo phong cách "bức tường tranh".
Họa sĩ Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948, học hội họa, thiết kế từ nhỏ với bố - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và mẹ - họa sĩ Nguyễn Thị Khang. Sau này, ông tu nghiệp thêm về hội họa, tâm lý học thị giác, phê bình mỹ thuật ở Mỹ. Năm 1993, ông tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại Ithaca, New York, được tờ nhật báo Ithaca Journal bầu chọn là "Nghệ sĩ của năm". Năm 2015, ông trưng bày 67 bức tranh tại phố cổ Hàng Đồng, Hà Nội.
Ngoài vẽ, ông từng là biên tập viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam, sau đó sang Mỹ từ đầu những năm 1990 làm việc cho các tổ chức quốc tế. Trịnh Lữ đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng, ra mắt độc giả Việt, như Cuộc đời của Pi, Đại gia Gatsby, Rừng Na Uy, Con nhân mã ở trong vườn, Utopia, Biển... Ông nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, lần lượt trong năm 2004 - 2005.
Tam Kỳ