Trong buổi giới thiệu cuốn sách ngày 31/1 tại Hà Nội, Trịnh Lữ nói: "Tôi mong mỗi ghi chép là một lần tôi được tâm sự với bạn đọc. Các câu chuyện sắp xếp ngẫu nhiên, tình cờ, chẳng toan tính gì. Lời thật, ý thiện thì chuyện gì cũng khiến mình yên lòng, yêu đời và hứng khởi hơn. Khi mở sách, bạn cứ chọn đọc đoạn nào cũng được, không phải tuần tự trước sau".
Phần một - Chuyện đời - được nhiều độc giả thích thú vì chứa đựng những câu chuyện về gia đình, công việc của một người lớn lên, làm việc ở Hà Nội suốt thời bao cấp cho đến khi đất nước bắt đầu mở cửa và sớm hội nhập quốc tế. Những câu chuyện ông kể về "Cụ chùa" - người bác, hay "Maurine" - đồng nghiệp ở New York... đều khiến độc giả rưng rưng xúc động về tình người. Phần hai - Chuyện nghệ thuật, chữ nghĩa... - là những suy nghĩ, đúc kết từ việc vẽ, dịch, viết của chính tác giả cũng như từ sách vở của thiên hạ. Sách đính kèm 12 bức tranh sen in màu, như một ghi chép bằng hội họa của Trịnh Lữ, được ông vẽ trong suốt năm 2020 không thể đi đâu vì Covid-19.

Dịch giả Trịnh Lữ (phải) ký tặng độc giả ở buổi ra mắt "Ghi chép", sáng 31/1. Ảnh: Tiên Long.
Trịnh Lữ trải nhiều nghề: biên tập viên, dịch giả, họa sĩ, tư vấn truyền thông phát triển... Sách của ông được nhiều người yêu thích về cả giọng văn và kiến thức. Tuy nhiên, ông nói mình không thuộc về một nghề cụ thể nào. "Khi ở Mỹ, đồng nghiệp giục tôi in card-visit, nhưng tôi chỉ ghi tên và số điện thoại", ông kể và giải thích bản thân chỉ hợp nhất với chữ "the survivor" (người sống sót), vì nghề nào đối với ông cũng là công việc để sống. Nếu dừng việc này, ông sẽ xoay sang việc khác được luôn.
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải khẳng định Trịnh Lữ làm việc gì cũng chuyên tâm, tận lực và đều đạt được thành tựu đáng kể, có vị trí so với đồng nghiệp trong nghề đó. Họa sĩ Thành Chương nói Trịnh Lữ là một trong số ít tác giả ông đánh giá cao cả về kiến thức lẫn cách sống.
Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn) sinh năm 1948 tại Hà Nội, là con trai của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ông từng là biên tập viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam, sau đó sang Mỹ từ đầu những năm 1990 làm việc cho các tổ chức quốc tế. Trịnh Lữ đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng, ra mắt độc giả Việt, như Cuộc đời của Pi, Đại gia Gatsby, Rừng Na Uy, Con nhân mã ở trong vườn, Utopia, Biển... Ông nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, lần lượt trong năm 2004 - 2005.
Ông còn là tác giả của nhiều đầu sách tiếng Anh như Form Communities & For Communities, Impact & Sustainability, Equity in Health. Trước Ghi chép, cuốn sách tiếng Việt duy nhất ông xuất bản là Đi vẽ, ra mắt năm 2015.
Tiên Long